Giá vàng thủng mốc 2.000 USD, chờ quyết định lãi suất của Fed

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Vàng trong nước giảm tiếp, rời xa mức đỉnh lịch sử sau thời gian duy trì ở vùng giá cao. Trên thế giới, kim loại quý chưa lấy lại mốc kháng cự 2.000 USD/ounce.

Vàng tiếp đà giảm

Sáng 14/12, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết ở mức 72,6-73,6 triệu đồng/lượng (mua - bán), giữ nguyên so với giá đóng cửa phiên liền trước. Chênh lệch 2 chiều mua - bán hiện là 1 triệu đồng.

Giá vàng nhẫn giảm phiên thứ ba liên tiếp, được các đơn vị kinh doanh niêm yết tại 60-61,05 triệu đồng/lượng (mua - bán), tức giảm 50.000 đồng mỗi chiều. Chênh lệch giữa 2 chiều là 1,05 triệu đồng.

Vàng trong nước giảm cùng chiều quốc tế, trước thềm cuộc họp về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trên thế giới, giá vàng hôm nay vẫn mất mốc 2.000 USD và được giao dịch tại 1.981 USD/ounce, đi ngang so với giá đóng cửa hôm qua song đã giảm 25 USD so với giá đóng cửa tuần trước.

Quy đổi theo tỷ giá chưa tính thuế, phí, giá vàng thế giới đang thấp hơn trong nước khoảng 14,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thủng mốc 2.000 USD, chờ quyết định lãi suất của Fed - 1

Vàng trong nước lẫn thế giới đều giao dịch ở mức thấp (Ảnh: Tiến Tuấn).

Giá vàng tiếp tục duy trì ở mức thấp, sau khi báo cáo mới nhất công bố cho thấy giá tiêu dùng tại Mỹ không giảm trong tháng 11.

Dữ liệu lạm phát được đưa ra trước cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm 2023. Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ duy trì lãi suất tại cuộc họp vào ngày 13/12 (giờ Mỹ).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11 và tăng 0,1% so với tháng trước. Đồng USD đã giảm bớt tổn thất sau dữ liệu CPI và khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.

Các nhà kinh tế lưu ý rằng dữ liệu lạm phát mới nhất có thể gây ra sự thay đổi về kỳ vọng của thị trường đối với việc cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 3. Các quan chức Fed trước đó đã nhấn mạnh rằng họ cần phải thấy lạm phát có xu hướng giảm bền vững, trước khi bắt đầu giảm lãi suất.

Phillip Streible - Giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures - tổ chức cung cấp dữ liệu và đào tạo giao dịch - nhận định dù dữ liệu lạm phát phù hợp với kỳ vọng, mọi người thực sự cần thấy một mức giảm mạnh để củng cố khả năng cắt giảm lãi suất, từ đó mới kích thích lại đà tăng của vàng

Theo chuyên gia kinh tế Andrew Hunter của Capital Economics, giá tiêu dùng tăng mạnh hơn cho thấy Fed có thể vẫn duy trì xu hướng thắt chặt lâu hơn.

Mọi con mắt đang đổ dồn về cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày của Fed với quyết định về lãi suất và công bố các tóm tắt dự báo kinh tế. Fed được cho sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp lần này. Theo công cụ CME FedWatch, thị trường dự báo khoảng 80% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 5.

USD vẫn thấp

USD lại quay trở lại vùng giá thấp sau phiên phục hồi đầu tuần. Cụ thể, USD-Index - chỉ số đo sức mạnh của USD với rổ tiền tệ lớn trên thế giới - hiện đạt 103,38 điểm, giảm 0,29% so với trước đó.

Tỷ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.954 đồng/USD, tăng 13 đồng so với trước đó.

Với biên độ 5% hiện tại, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép dao động từ 22.756 đồng đến 25.132 đồng. Giá USD trong ngân hàng hôm nay không đổi. Ngân hàng lớn niêm yết tỷ giá mua bán 24.060-24.430 đồng/USD. Tại ngân hàng cổ phần, giá USD là 23.030-24.420 đồng/USD.

Còn trên thị trường tự do, USD "chợ đen" được giao dịch ở mức 24.670-24.770 đồng/USD, tăng 30 đồng mỗi chiều. Chênh lệch 2 chiều mua - bán là 100 đồng.