1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giá vàng SJC tiếp tục "bốc hơi"

An Chi

(Dân trí) - Vàng SJC có một phiên giao dịch sóng gió khi "bốc hơi" 700.000 đồng/lượng trong ngày 13/6, đến 14/6 thì tiếp tục giảm.

Sáng 14/6, doanh nghiệp vàng lớn tại Hà Nội niêm yết vàng miếng SJC tại 67,5 - 68,32 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng ở chiều mua và giảm 350.000 đồng/lượng ở chiều bán so với chốt phiên 13/6. Tại TPHCM, giá thu gom tương đương Hà Nội nhưng bán ra rẻ hơn 20.000 đồng/lượng. Trước đó, trong ngày 13/6, vàng miếng SJC giảm mạnh 700.000 đồng/lượng. 

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.824 USD/ounce (tương đương 51,08 triệu đồng/lượng), giảm 40 USD so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 17,24 triệu đồng/lượng

Giá vàng SJC tiếp tục bốc hơi  - 1

Giá vàng trong nước và thế giới sụt giảm mạnh (Ảnh: Tiến Tuấn).

Thị trường vàng giảm mạnh khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất vào thứ 4 tuần này. Giới phân tích dự báo Fed sẽ nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5%.

Phản ứng trước thông tin trên, chỉ số đồng USD giao dịch gần mức cao nhất trong 20 năm ở mức 104,97 điểm. Cùng với đó là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ  kỳ hạn 2 năm tăng lên mức cao nhất trong 15 năm là 3,25%. Trong khi đó, lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng lên 3,3%, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Giới phân tích cho rằng, Fed sẽ hành động quyết liệt hơn để chống lại lạm phát. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vàng trong ngắn hạn vì không ngoại trừ khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% vào tháng 9.

"Fed đang lên kế hoạch cho vài đợt điều chỉnh tiếp theo, lãi suất cơ bản có thể tăng thêm 0,75% vào tháng 9", TD Securities nhận định. Hiện tại, Fed khá "diều hâu" trong vấn đề lãi suất khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ tăng 8,6% vào tháng 5, chạm mức cao kỷ lục trong 40 năm.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo "nóng" về mức độ lạm phát. WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống 2,9% so với mức dự báo 4,1% hồi tháng 1 và cảnh báo nguy cơ một số quốc gia có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng.

Tại Mỹ, dự báo tăng trưởng giảm xuống 2,5% trong năm nay so với mức 3,7% vào tháng 1. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc - dự báo tăng trưởng xuống mức thấp là 4,3%. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) xuống 2,5%, Nhật Bản còn 1,7%, trong khi đó nền kinh tế Nga có thể giảm 11,3%.