Nhận định thị trường tuần này:

Giá vàng ngóng diễn biến từ châu Âu và Trung Quốc

(Dân trí) - Bước vào tuần qua với nhiều kỳ vọng tăng điểm, vậy nhưng giá vàng lại sụt giảm 1,89%. Trong tuần này, nhiều khả năng thị trường sẽ dè dặt trong bối cảnh nhiều sự kiện quan trọng tại châu Âu và Trung Quốc có thể tạo ra biến động lớn.

Sau những dữ liệu kém lạc quan về kinh tế Mỹ, thị trường tuần vừa qua đã mở đầu đầy háo hức khi niềm tin vào những gói giải cứu của Fed lên cao. Thế nhưng chỉ một tuyên bố “sẽ hành động khi tình hình xấu đi” của chủ tịch Bernanke đã khiến giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới lao dốc. Bởi điều đó có nghĩa là Fed chưa muốn hành động ngay lúc này.

Các nhà đầu tư vẫn đang thận trọng với giá vàng
Các nhà đầu tư vẫn đang thận trọng với giá vàng

Từ mức cao 1640 USD/ounce đồ thị giá rớt mạnh xuống 1561,44 USD/ounce trước khi phục hồi và chốt tuần tại 1592 USD/ounce. Trên thị trường New York, hợp dồng vàng tương lai giao tháng 8 cũng lùi về 1591,4 USD/ounce, giảm 1,89% so với đầu tuần.

“Việc Fed không đả động đến khả năng bơm tiền vào nền kinh tế đã khiến giá vàng chịu nhiều tác động mạnh, và tất nhiên trong bối cảnh hiện nay, sự tương quan ngược chiều giữa vàng và USD được lặp lại”, nhà tư vấn của Gianclaudio Torlizzi của T-Commodity nhận định.

“Dù vậy triển vọng trong trung hạn đối với các kim loại quý vẫn tích cực bởi các NHTW dù sớm hay muộn cũng phải tung ra các chính sách kích thích tiền tệ. Vấn đề chỉ là thời gian bởi họ không muốn dùng vũ khí cuối cùng quá sớm”.

Trong tuần này, các chuyên gia tương đối chia rẽ về xu hướng của giá vàng. Trong số 27 người tham gia khảo sát của Kitco, có 13 người tin giá sẽ đi lên trong khi 9 người nhận định điều ngược lại. 5 chuyên gia cho rằng giá sẽ không biến động nhiều. Tâm điểm chú ý của thị trường hiện nay vẫn là vấn đề khủng hoảng nợ châu Âu.

Mới nhất, Tây Ban Nha đã phải xin EU cấp 100 tỷ Euro để “giải cứu” ngành ngân hàng, một chỉ báo rõ ràng cho thấy tình hình đang diễn biến tiêu cực hơn dự báo. Cùng lúc đó quốc gia này cũng bị hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch hạ tới 3 bậc tín nhiệm.

Một thông tin đáng chú ý nữa đó là Hy Lạp sẽ tiến hành bầu cử lại vào ngày 17/6 tới. Nếu sau đợt trưng cầu dân ý này, một chính phủ mới không thể được thành lập, tình hình sẽ còn rối ren và khả năng nước này phải rời Euro-zone càng cao hơn.

Daniel Pavilonis, môi giới cao cấp tại công ty RJO Futures nhận định vàng và các hàng hóa khác có thể giảm giá bởi tình hình của châu Âu. Ông tin rằng ít khả năng Fed sẽ tung ra gói kích thích kinh tế lần 3 bởi thanh khoản không phải là vấn đề lúc này. “Tại sao Fed hay ECB phải tung ra các gói kích thích trước ngày bầu cử Hy Lạp, nhất là khi các phe chống chính sách thắt lưng buộc bụng có thể thắng”, Pavilonis nói.

Ngoài ra, tình hình tại Trung Quốc cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ. Mới đây chỉ số giá tiêu dùng của nước này trong tháng 5 được công bố chỉ ở mức 3%, giảm so với con số 3,4% tháng trước. Điều này khiến không ít nhà đầu tư đang chờ đợi xem liệu chính phủ Trung Quốc có tung ra các gói kích thích sau những dấu hiệu kinh tế giảm tốc gần đây.

Mới nhất, chỉ số sản lượng công nghiệp tháng 5 của nước này được công bố tăng trưởng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù con số này là tích cực xong vẫn nằm dưới mức kỳ vọng 9,9% mà các chuyên gia được Reuters khảo sát nhận định.

Thanh Tùng
Tổng hợp