1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giá vàng giảm dữ dội, thủng mốc 2.000 USD

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Áp lực từ việc đồng USD phục hồi và lợi suất trái phiếu tăng khiến vàng trở nên kém hấp dẫn, hiện đã mất mốc hỗ trợ 2.000 USD. Vàng trong nước cũng giảm theo.

Vàng trong nước và thế giới đồng loạt giảm

Kết thúc ngày 12/12, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết ở mức 72,75-73,75 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 50.000 đồng chiều so với thời điểm mở cửa phiên hôm qua. Chênh lệch 2 chiều mua - bán hiện là 1 triệu đồng.

Giá vàng nhẫn giảm mạnh hơn, được các đơn vị kinh doanh niêm yết tại 60,35-61,4 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 200.000 đồng mỗi chiều. Chênh lệch giữa 2 chiều là 1,05 triệu đồng.

Vàng trong nước giảm cùng chiều quốc tế, trước thềm cuộc họp về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trên thế giới, giá vàng đã mất mốc 2.000 USD và đang giao dịch tại 1.982 USD/ounce, giảm 24 USD so với giá đóng cửa phiên cũ. Quy đổi theo tỷ giá chưa tính thuế, phí, giá vàng thế giới đang thấp hơn trong nước khoảng 14,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giảm dữ dội, thủng mốc 2.000 USD - 1

Vàng đồng loạt giảm giá (Ảnh: Tiến Tuấn).

Giá vàng thế giới lao dốc do chịu áp lực phục hồi của đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng. Đồng USD tăng khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ bằng các loại tiền tệ khác. Còn lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng cao hơn cũng làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng.

Các nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp quan trọng của một số ngân hàng trung ương. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Norges và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ sẽ tiến hành các cuộc họp chính sách vào thứ 5 (giờ Mỹ). Ngoài ra, giới đầu tư cũng quan tâm đến dữ liệu lạm phát của Mỹ. Dữ liệu này được cho là có thể ảnh hưởng đến lộ trình chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Jim Wyckoff - nhà phân tích cấp cao thuộc Kitco Metals - đơn vị chuyên về dữ liệu kim loại - cho rằng: "Các nhà giao dịch vàng đang chờ đợi một số thông tin cơ bản mới. Tình trạng biểu đồ ngắn hạn của vàng đã xấu đi. Nếu con số CPI sắp công bố cao nhiều hơn dự kiến, điều đó có thể tạo ra áp lực bán trên thị trường vàng".

Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch đang định giá 71% khả năng lãi suất sẽ giảm vào tháng 5. Lãi suất thấp hơn có xu hướng hỗ trợ vàng thỏi không chịu lãi suất.

Trọng tâm tuần này sẽ tập trung vào báo cáo giá tiêu dùng tháng 11 của Mỹ, được công bố vào thứ 3 (giờ Mỹ), sau đó là tuyên bố của Fed và bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào thứ 4.

USD-Index lấy lại ngưỡng 104 điểm

USD phục hồi sau thời gian duy trì mức thấp. Cụ thể, USD-Index - chỉ số đo sức mạnh của USD với rổ tiền tệ lớn trên thế giới - hiện đạt 104,99 điểm, tăng 0,54% so với trước đó.

Tỷ giá trung tâm kết thúc hôm qua được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.932 đồng/USD, giảm 19 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% hiện tại, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép dao động từ 22.735 đồng đến 25.128 đồng.

Giá USD trong ngân hàng biến động không đáng kể. Ngân hàng lớn niêm yết tỷ giá mua bán 24.020-24.390 đồng/USD. Tại ngân hàng cổ phần, giá USD là 23.010-24.400 đồng/USD.

Còn trên thị trường tự do, USD "chợ đen" được giao dịch ở mức 24.620-24.700 đồng/USD, giữ nguyên so với cuối tuần trước. Chênh lệch 2 chiều mua - bán là 70 đồng.