Giá vàng đã tăng 12 triệu đồng/lượng, liên tiếp xô đổ mọi kỷ lục thời đại

An Hạ

(Dân trí) - Giá vàng liên tiếp xô đổ mọi kỷ lục của 9 năm qua nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Không chỉ có các nhà đầu cơ mà quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới cũng tăng cường mua vàng vào.

Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội niêm yết ở mức 53,15 triệu đồng/lượng - 54,35 triệu đồng/lượng; giá vàng SJC tại TPHCM ở mức 53,5 triệu đồng/lượng - 54,8 triệu đồng/lượng.

Như vậy, tính từ đầu tháng 7 đến nay, giá vàng SJC đã tăng hơn 5 triệu đồng mỗi lượng. Sáng 1/7, giá vàng SJC được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 49,15 triệu đồng/lượng (mua vào) - 49,62 triệu/lượng (bán ra).

Cũng vào thời điểm đó, giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com có mức tăng 2,6 USD, giao dịch ở mức 1.782 USD/ounce, tương đương 49,99 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng chủ yếu do đại dịch Covid-19 vẫn âm ỉ và kìm hãm sự tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng mạnh trên toàn cầu, nhất là tại Mỹ.

Còn so với đầu năm 2020, giá vàng SJC đã tăng tới 12 triệu đồng mỗi lượng. Sáng 3/1, giá vàng SJC  niêm yết giao dịch ở mức 42,53 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,9 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng tăng sốc khiến giao dịch trên thị trường sôi động hẳn lên, số lượng người đến các cửa hàng vàng tăng đáng kể do, nhưng không quá đột biến.

Giá vàng đã tăng 12 triệu đồng/lượng, liên tiếp xô đổ mọi kỷ lục thời đại - 1

Giá vàng tăng cao, xô đổ kỷ lục mọi thời đại (ảnh minh họa).

Còn hiện tại, lúc 6h20 sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay qua Kitco.com hiện niêm yết giao dịch ở mức 1.886,6 USD/ounce.

Tính từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng khoảng 23%, còn so với đầu 2019 giá vàng tăng khoảng 46,5%.

Lượng vàng nắm giữ của SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, đã tăng 0,4% lên 1.225,01 tấn, đạt mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2013.

Giá vàng thế giới tăng cao, liên tiếp lập kỷ lục do mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi và những bất ổn về kinh tế khi dịch Covid-19 đang hoành hành tại nhiều nước trên thế giới.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Politico ngày 23/7, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston, ông Thái Vĩ, cho biết Trung Quốc phản đối lệnh đóng cửa lãnh sự quán Houston và văn phòng này của ông sẽ tiếp tục mở cửa cho đến khi "có thông báo mới".

Bắc Kinh đã đề nghị phía Mỹ rút lại quyết định đưa ra hôm 21/7 về việc yêu cầu đóng lãnh sự quán của Trung Quốc Houston trong vòng 72 giờ.

Các chuyên gia cho rằng, nếu Trung Quốc từ chối đóng cửa lãnh sự quán Houston, đó sẽ là một hành động chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Trung - Mỹ và Washington có thể tước thị thực của Tổng lãnh sự Trung Quốc và các nhân viên tại lãnh sự quán, cho phép lực lượng chấp pháp bắt giữ hoặc trục xuất họ.

Việc Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở bang Texas là diễn biến mới nhất trong căng thẳng leo thang giữa 2 nước, vốn có thể đang biến thành “Chiến tranh Lạnh”.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đang xung đột trên nhiều khu vực từ Nam Á, Đông Nam Á, Australia, châu Âu, châu Phi cho tới Nam Mỹ, nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại, đầu tư, công nghệ, chính sách y tế, tên lửa, năng lực hải quân và không quân…

Trong bối cảnh này, vàng trở thành một lựa chọn hàng đầu khi các nước lớn rơi vào căng thẳng đối đầu. Vàng được xem là một mặt hàng có tính an toàn cao, giữ nguyên giá trị khi thị trường biến động.

Xét về dài hạn, nhiều dự báo cho rằng, giá vàng thế giới sẽ còn tăng tiếp và nhanh chóng vượt ngưỡng 1.920 USD/ounce thiết lập được từ năm 2011. Giá vàng có thể sẽ leo lên mức 2.000-3.000 USD/ounce trong vài năm tới.