Giá nhãn, giá thanh long chỉ bằng bó rau muống, bán 3 tấn được 10 triệu đồng, nông dân suy sụp
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, hệ quả là giá nhãn và giá thanh long đang chung cảnh giảm sâu tận đáy. Nhiều gia đình sau khi thu hoạch phải bán đổ bán tháo với giá rẻ, lỗ nặng.
Giá nhãn giảm tận đáy
Mấy ngày qua, nhiều nhà vườn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đang lao đao vì trái cây mất giá, đặc biệt là nhãn và thanh long. Điều này khiến cho một số nhà vườn thu không thể bù chi, ôm nợ lỗ nặng.
Theo phản ánh của nông dân, thời điểm này là lúc nhãn ở tất cả các địa phương đang vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhãn khó xuất khẩu đi các nước, chủ yếu tiêu thụ nội địa, dẫn đến việc bị ùn ứ hàng, thương lái kén mua.
Hiện tại nhãn được thương lái đến mua tại vườn với giá chỉ từ 4.000 - 8.000 đồng/kg. Trong khi đó cách đây hơn 1 tháng, khi dịch bệnh chưa bùng phát trở lại thì giá nhãn vẫn đạt mức 14.000 - 20.000 đồng/kg, riêng nhãn xuồng thu mua tại vườn cũng có mức 40.000 - 50.000 đồng/kg. Với mức giá như hiện tại thì mỗi nhà vườn thất thu lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Thạnh, ngụ huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết cách đây hơn một tháng giá nhãn vẫn ở mức cao, dao động từ 20.000 - 50.000 đồng/kg nên người trồng nhãn có lãi. Tuy nhiên, với giá dưới 8.000 đồng/kg như hiện nay, người dân coi như không dư ra được đồng nào, thậm chí thua lỗ.
Do dịch Covid-19, giá nhãn giảm sâu, vụ thu hoạch năm nay gia đình ông Thạnh ngụ huyện Xuyên Mộc chịu lỗ nặng.
“Trước đây, giá nhãn trung bình 20.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, gia đình tôi bỏ túi được 15 - 17 triệu đồng/tấn. Nhưng với giá như hiện nay, mùa nhãn đã đi theo dịch Covid-19 hết rồi, người trồng nhãn ôm nợ, ôm lãi ngân hàng” - ông Thạnh buồn bã nói.
Chung cảnh ngộ với ông Thạnh là hộ gia đình bà Huỳnh Thị Vinh, người dân huyện Định Quán, Đồng Nai cũng lo lắng vì 2,5ha nhãn da bò, nhãn xuồng đang vào vụ thu hoạch nhưng thương lái lại kén mua.
Cũng theo bà Vinh, những năm trước nhiều lúc thương lái mua trọn vườn vì giá nhãn cao. Riêng năm nay, các nhà vườn đều chung cảnh lụy thương lái, gọi điện thoại rất nhiều nhưng vẫn bị thương lái hẹn lần hẹn lữa.
Người dân tuyển chọn nhãn bán cho thương lái.
“Thương lái kén mua nên chúng tôi rất lo lắng. Có hỏi thăm thì họ nói ở mình chủ yếu là nhãn da bò, nhãn xuồng, nhãn Ido, thanh nhãn và những loại này lâu nay chỉ xuất sang thị trường Trung Quốc, Campuchia. Ngặt nỗi năm nay Campuchia, Trung Quốc,… tiêu thụ rất ít, lại thêm dịch Covid-19 nên nhãn không xuất khẩu được, bị dội chợ, hàng ùn ứ rất nhiều, cung vượt cầu nên khó tiêu thụ.
Giờ nhìn giá cả thương lái thu mua nhãn mà chúng tôi chán không buồn hái, những hộ nào trồng nhiều, hoặc phải vay vốn ngân hàng thì đúng là suy sụp" - bà Vinh than vãn.
Theo bà Vinh, hiện nhãn tiêu da bò đang được vựa thu mua với giá 4.000-7.000 đồng/kg; nhãn Ido đang ở mức 14.000-15.000 đồng/kg; còn nhãn xuồng ở mức 29.000-30.000 đồng/kg. Riêng thanh nhãn do nguồn cung hạn chế nên dù giá có giảm nhưng vẫn ở mức khá cao, với khoảng 60.000-62.000 đồng/kg.
Trong khi đó các thương lái cũng cho biết, giá nhãn giảm do đầu ra nhiều loại nhãn đang gặp khó khi sức tiêu thụ bị giảm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, giá giảm còn do nguồn cung tăng vì thời gian qua người dân khắp nơi thấy nhãn thường có giá cao nên đã chuyển đổi nhiều diện tích sang trồng nhãn.
Thời điểm này nhãn khá được mùa nhưng mất giá
“Trước đây có những nhà vườn thu hoạch khoảng 30 tấn nhãn/năm, với giá trung bình khoảng 20.000 đồng/kg thì thu nhập của họ mỗi năm kiếm nửa tỷ là bình thường. Nhưng năm nay giá thấp quá, chúng tôi thu mua cũng chẳng xuất đi được, ứ đọng hàng quá nhiều. Ai cũng lỗ chứ không riêng nông dân” - bà Nguyễn Thị Lan, thương lái chuyên thu mua nhãn tại Đồng Nai chia sẻ.
Thanh long mất giá
Cùng nỗi khổ mất giá với nhãn là thanh long, vì hiện nay thanh long cũng đang vào vụ thu hoạch nhưng giá rớt thê thảm khiến nhà vườn lao đao, ôm nợ. Ghi nhận thực tế hiện nay giá thanh long chỉ ở mức từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Như vậy trừ công chăm sóc, phân bón,… thì lứa thu hoạch này người trồng thanh long cũng khốn khổ vì thua lỗ.
Thăm vườn thanh long 900 trụ của gia đình chị Nguyễn Thị Hương ngụ tại huyện Xuân Lộc, Đồng Nai mới thấy được sự vất vả, buồn khổ của người trồng thanh long thời điểm này.
Thanh long nhà chị Hương (Xuân Lộc - Đồng Nai) chín đỏ nhưng đang bị ùn ứ vì thị trường tiêu thụ chậm.
Chị Hương cho biết, 900 trụ thanh long của gia đình chị đang kỳ thu hoạch. Mỗi tấn thanh long hiện nay bán được giá khoảng 3 triệu đồng và với vườn thanh long này gia đình chị Hương chỉ thu được khoảng vài chục triệu đồng.
“Cách đây hơn 1 tháng khi dịch Covid-19 tạm lắng xuống, giá thanh long cũng đạt 15.000 - 17.000 đồng/kg, người trồng có lãi một chút. Còn với giá như hiện nay thì chưa đủ chi phí bỏ ra ban đầu nên người trồng không đủ khả năng trả nợ ngân hàng", chị Hương buồn bã.
Ông Nguyễn Văn Tư, người trồng thanh long ở huyện Trảng Bom cũng cho biết, thanh long tồn, ứ đọng tại vườn rất nhiều, dù chín đỏ nhưng vẫn chưa bán được vì lái thu mua ít.
“Hiện nay thương lái thu mua tại vườn chỉ còn 4.000 đồng/kg, loại “dạt” còn 1.000 - 2.000 đồng/kg. Với khoảng 3 tấn thanh long bán cho thương lái, nếu giá như cách đây 1 tháng hoặc như năm ngoái thì thu về cả trăm triệu đồng, giờ chỉ vớt vát được chục triệu. Không biết nông dân chúng tôi xoay xở ra sao nữa”, ông Tư nói.
Vườn thanh long chín rộ tại Đồng Nai nhưng nông dân chưa dám thu hoạch vì không có người mua.
Anh Hoàng Văn Minh, một thương lái cho biết thêm: Hầu hết các vựa thu mua đều đang chất đống thanh long trong kho, giá giảm nhanh vì không xuất khẩu được.
“Do đang vào vụ nên nguồn cung rất dồi dào, tuy nhiên nhu cầu lại ít hơn vì các thị trường lớn như Trung Quốc tiêu thụ khá chậm. Khoảng 2 tuần trước giá thanh long còn 6.000-7.000 đồng/kg, hôm nay giảm mạnh còn 3.000 đồng, thậm chí 2.000 đồng/kg. Chúng tôi buộc phải hạn chế thu mua, tội là tội bà con nông dân”, thương lái Hoàng Văn Minh chia sẻ.