Giá lợn hơi tăng mạnh, bầu Đức và "ông trùm" Bắc Ninh đứng ngồi không yên
(Dân trí) - Giá lợn hơi đã tăng mạnh trong các tháng đầu năm, trung bình ghi nhận tăng 26% so với đầu năm. Bầu Đức nhanh tay cho tái đàn, "ông trùm" Bắc Ninh tiếp tục nhập thêm lợn giống để nâng cao năng suất.
Giá lợn hơi liên tục tăng
Báo cáo tháng 4 và 4 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cho biết đàn lợn có xu hướng tăng do thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán thịt lợn hơi tăng , tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ.
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) ghi nhận trong quý đầu năm, tình hình chăn nuôi lợn trên cả nước có nhiều khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm ngoái do giá bán thịt hơi tăng đều trên diện rộng. Tổng số lợn của cả nước ước tính đến cuối tháng 3 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tại một số tỉnh tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang có tốc độ tăng trưởng chăn nuôi khá cao do các doanh nghiệp chăn nuôi mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động và cho sản phẩm.
Giá lợn hơi trong nước tiếp tục xu hướng tăng trong tháng 4. Mức giá ghi nhận quanh ngưỡng 60.000- 64.000 đồng/kg, tăng 2.000-4.000 đồng/kg so với cuối tháng 3.
Nguồn cung khan hiếm, tồn kho ít khiến giá lợn 3 miền đồng loạt tăng trong 4 tháng đầu năm là ghi nhận của các chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS). Tại thị trường miền Bắc, trong tháng 4, giá lợn liên tiếp tăng trong 3 tuần đầu lên mức 62.000-64.000 đồng/kg, sau đó duy trì ở mức cao cho tới hết tháng.
Công ty này phân tích 3 nguyên nhân làm giá lợn hơi miền Bắc liên tục tăng trong đầu năm nay. Đầu tiên là do nguồn cung ở phía Bắc không còn nhiều, tồn kho lợn biểu to gần như không còn. Thứ 2 là mặt bằng giá ở 3 vùng gần như bằng nhau, nên lưu chuyển từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc khá yếu. Thứ 3 là lợn Thái Lan chưa được đưa về Việt Nam dù mức chênh lệch giá ở tháng 3 khá cao.
Tại thị trường miền Trung và Nam, giá lợn cũng có xu hướng tăng tích cực do nguồn cung nội vùng thấp. Lợn từ Campuchia ngưng nhập về do đây là thời điểm nghỉ Tết cổ truyền ở nước này. Ngoài ra, lợn Thái Lan vẫn chưa được nhập về như dự đoán. Tính đến cuối tháng 4, giá lợn ở miền Trung được đẩy lên vùng 61.000-63.000 đồng/kg, miền Nam quanh mức 62.000-64.000 đồng/kg.
Đại gia nhanh tay tái đàn
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) - thừa nhận năm trước đã rất thận trọng khi không mở rộng đàn lợn do thời điểm đó, giá rất thấp. Tuy nhiên hiện tại, giá đã lên 65.000 đồng/kg.
Với chu kỳ giá lên và xuống 2 năm thì đến năm 2025, ông Đức cho rằng giá lợn sẽ rất tốt. Tập đoàn đã bắt đầu tăng đàn từ tháng 4 năm nay, dự kiến lợi nhuận rơi vào quý IV. Năm 2025, công ty có thể sẽ thu được lợi nhuận "khủng" nếu lợn còn giữ giá cao.
Theo tiết lộ của bầu Đức, giá thành nuôi lớn tối đa 46.000-48.000 đồng/kg, tính theo giá hiện tại 65.000 đồng/kg thì lợi nhuận đã rất lớn. Vị doanh nhân kỳ vọng năm 2025, doanh số lợn sẽ vượt mảng trái cây tại Hoàng Anh Gia Lai.
Hoàng Anh Gia Lai tham gia chăn nuôi lợn từ năm 2020. Năm 2021, doanh thu từ ngành này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu. Tập đoàn xây dựng được 7 cụm chuồng trại nuôi lợn với công suất khoảng 400.000 con lợn thịt mỗi năm.
Năm 2022, tập đoàn có 10 cụm chuồng trại chăn nuôi lợn. Doanh thu mảng này đạt 1.697 tỷ đồng, chiếm 33% tổng doanh thu tập đoàn và gấp 3 lần năm trước đó.
Đến năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai đạt công suất nuôi 24.000 con lợn lái và 600.000 con lợn thịt. Doanh thu từ bán lợn đạt 1.964 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Tỷ trọng đóng góp từ lợn vào doanh thu toàn tập đoàn là 30%.
Đối với Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán: DBC) - ông trùm ngành chăn nuôi có trụ sở tại Bắc Ninh - năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng 14%, đạt 25.380 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 730 tỷ đồng, gấp 29 lần thực hiện năm trước.
Quý đầu năm nay, Dabaco ghi nhận doanh thu gần 3.300 tỷ đồng còn lợi nhuận 73 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 321 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho rằng giá lợn hơi tăng khá ổn định từ đầu năm, do nguồn cung giảm vì dịch bệnh, giúp kết quả kinh doanh khởi sắc hơn. Công ty ghi nhận mức giá trung bình cả nước tại ngày 2/5 là 61.800 đồng/kg, tăng 26% so với đầu năm.
Ngoài ra, công ty này cũng được hưởng lợi nhờ giá một số nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm, đưa giá thành đi xuống. Người chăn nuôi trong nước có nhu cầu tái đàn nên sản lượng thức ăn tiêu thụ tăng kéo kết quả đi lên.
Chia sẻ với cổ đông tại kỳ họp đại hội cổ đông vừa qua, lãnh đạo Dabaco cho biết đã nhận 10.000 con lợn giống trong năm 2023 và đang tiếp tục nhập thêm. Đàn lợn giống chất lượng giúp cải thiện đáng kể năng suất cho Dabaco, suốt 28 năm qua chưa bao giờ có năng suất đàn lợn cao như hiện nay.
Lãnh đạo Dabco dự báo giá lợn sẽ còn cao bởi nguồn cung giảm mạnh hơn nhu cầu và thị trường phải mất tối thiểu 18 tháng mới có thể khắc phục được tình trạng thiếu cung.