Giá hàng hóa nhấp nhổm, có loại tăng sốc: Chuyên gia nói về nỗi lo lạm phát

Nguyễn Mạnh Hoàng Dung

(Dân trí) - Một số chuyên gia kinh tế lo ngại về nguy cơ lạm phát cao khi giá nhiều hàng hóa đầu vào như xăng dầu, vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, tăng nhanh; song cũng có những quan điểm trái chiều.

Nhiều hàng hóa tăng giá, thậm chí tăng "sốc"

Từ đầu năm đến nay, không chỉ hàng thiết yếu, tiêu dùng, hàng loạt nguyên liệu đầu vào để sản xuất, xây dựng… cũng "rủ nhau" tăng giá.

Chị H, chủ một tiệm tạp hóa trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gần đây các mặt hàng như dầu ăn, mì chính, nước giặt... đồng loạt tăng nhẹ. Trong đó, có những hãng dầu ăn tăng 800 - 900 đồng/chai, còn gia vị thực phẩm thì tăng 300 - 600 đồng/sản phẩm.

"Cách đây 1 tuần, tôi mới nhập lô hàng mới để bán thì thấy giá một số sản phẩm có tăng. Tôi nghĩ là do các hãng điều chỉnh giá như thông thường nên không hỏi nhiều. Bởi mình nhập vào đắt hơn thì giá bán ra sẽ cao hơn thôi" - chị H nói.

Anh N.T, chủ một cửa hàng tiện lợi trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) cũng chia sẻ, giá các mặt hàng sang tháng 5 đều tăng nhẹ, từ 400 đồng đến 800 đồng/sản phẩm. 

Giá hàng hóa nhấp nhổm, có loại tăng sốc: Chuyên gia nói về nỗi lo lạm phát - 1

Nhiều hàng hóa tăng giá, cá biệt có mặt hàng tăng "sốc" (Ảnh: Hoàng Dung).

Báo cáo tổng quan thị trường giá cả tháng 4/2021, Tổng cục Thống kê cho biết, có 6 nhóm hàng tăng giá. Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất so với tháng trước, với 0,87%, do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu.

Tiếp đến, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14% so với tháng trước chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nước khoáng và nước có gas tăng. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình cũng tăng 0,11%. Ngoài ra là các nhóm giáo dục (tăng 0,03%), thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,01%). Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07%...

Bên cạnh đó, dù được đề cập khá mờ nhạt trong báo cáo về CPI tháng 4 của Tổng cục Thống kê song thực tế theo ghi nhận thị trường, thép là mặt hàng có mức tăng đột biến trong 4 tháng đầu năm. Thép là nguyên liệu đầu vào của ngành xây dựng, bất động sản và việc tăng giá này được cho là sẽ có tác động đáng kể đến giá thành xây dựng, đẩy giá sản phẩm bất động sản tăng cao. 

Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam thông tin, giá thép tăng đột biến trong quý I/2021 và tháng 4. Giá thép phi 6 Việt Mỹ chỉ là 13.145 đồng/kg trong quý IV/2020 thì đến nay đã tăng 40%, lên 18.370 đồng/kg. Mức tăng 30-40% kể trên cũng diễn ra với tất cả thương hiệu thép.

Bên cạnh thép, giá nhiều loại vật liệu xây dựng cũng tăng mạnh trong tháng 4. Dù thế, tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy nhóm vật liệu xây dựng chỉ tăng 1%. 

Giá nguyên liệu đầu vào tăng, doanh nghiệp xây dựng như "ngồi trên lửa". Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, không chỉ thép, giá nhôm, cát… đều tăng khiến ngành xây dựng vô cùng khó khăn.

Có lo ngại lạm phát?

Một số chuyên gia kinh tế nhận định nguy cơ lạm phát cao là rất lớn trong bối cảnh hiện nay khi giá nhiều hàng hóa đầu vào như xăng dầu, vật liệu xây dựng (đặc biệt là giá thép) tăng nhanh cả ở thị trường trong nước lẫn thế giới. 

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ nới lỏng được nhiều nước đồng loạt áp dụng và duy trì thời gian dài vừa qua nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của Covid-19 cũng gây nhiều lo ngại. Cung tiền đưa vào nền kinh tế quá nhiều khiến giá hàng loạt tài sản tăng mạnh như chứng khoán, bất động sản.

Một số ý kiến lại cho rằng nguy cơ về lạm phát chưa quá cao đối với Việt Nam nhưng không thể chủ quan. Chính phủ phải có kịch bản ứng phó với giai đoạn sau đó, nhất là khi kinh tế trong nước phục hồi rõ nét khi việc kiểm soát dịch Covid-19 cải thiện hơn.

Giá hàng hóa nhấp nhổm, có loại tăng sốc: Chuyên gia nói về nỗi lo lạm phát - 2

Một số chuyên gia kinh tế nhận định nguy cơ lạm phát là rất lớn trong bối cảnh hiện nay.

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, giá một số nhóm hàng hóa tăng, thậm chí là tăng rất cao, ví dụ như thép nhưng tại sao giá thép lên thì chưa được làm rõ. 

Ông Ánh cho hay cần phải tiếp cận từng nhóm hàng, bên cạnh thép, để thấy được nguyên nhân. Nếu nguyên nhân hợp lý và mức tăng vừa phải thì chưa có gì đáng lo ngại. Còn ngược lại nếu là sự bất hợp lý, rủi ro kinh tế thì cần được báo động.

Trả lời câu hỏi về lo ngại lạm phát, ông Ánh cho biết: Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

"Tuy nhiên điều tôi băn khoăn là có những mặt hàng tăng giá tới 40% như thép không thấy đề cập rõ, chỉ số nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 4/2021 thậm chí còn giảm 0,43% so với tháng trước", ông Ánh cho rằng với con số cơ quan thống kê đưa ra như vậy khó để nhận định. 

Cũng theo ông Ánh, về mặt lý thuyết, lạm phát sẽ chịu tác động từ việc kinh tế suy giảm. Cả thế giới chi một khoản tiền khổng lồ để chống Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế nên khả năng lạm phát là rất cao. Tuy nhiên, thực tế diễn biến suốt trong năm 2020, những tháng đầu năm 2021 thì không quan sát thấy lạm phát toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, ông Ánh lo ngại vấn đề thiểu phát khi thu nhập của người dân, doanh nghiệp giảm. 

Chuyên gia kinh tế PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, năm 2021, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ có những bước phục hồi và phát triển. Do vậy, nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, về vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa sẽ tăng cao. Đây sẽ là nhân tố thúc đẩy lạm phát tăng lên. 

Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% trong năm 2021 như chỉ tiêu của Quốc hội là một mục tiêu khó khăn. Ông Thịnh cho rằng, Việt Nam cần thực hiện tốt, đồng bộ nhiều biện pháp.

Trong đó, theo ông Thịnh, cần có các cơ chế theo dõi, quản lý giá thường xuyên giữa các cơ quan có liên quan, đồng thời tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và tầng lớp dân cư, tránh tình trạng "lạm phát do tâm lý".