Vấn đề kinh tế đáng chú ý tuần qua:
Giá điện tăng 8,36% vì áp lực chi phí; Bất ngờ với giá xăng dầu
(Dân trí) - Tuần qua, giá điện đã được điều chỉnh tăng hơn 8% sau hơn 1 năm "bất động". Trong khi đó, dù chịu nhiều áp lực từ giá thế giới song nhờ tăng chi quỹ bình ổn, giá xăng dầu lại được giữ ổn định...
Giá điện chính thức tăng 8,36% từ 20/3
Theo đó, giá điện tăng từ 1.720 đồng lên khoảng 1.850 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, giá điện tính toán trên cơ sở để đảm bảo việc tăng giá không ảnh hưởng tới CPI, GDP; việc tăng giá điện sẽ tác động đến những hộ sản xuất tiêu thụ điện lớn như các nhà sản xuất sắt thép, xi măng.
Theo lý giải của cơ quan quản lý, đề xuất tăng giá điện được xây dựng trên cơ sở các chi phí phát sinh thực tế trong sản xuất điện; khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá từ năm 2015 đến nay của ngành điện và các yếu tố khác.
Lần tăng giá điện gần nhất diễn ra vào ngày 1/12/2017 sau 3 năm giữ giá trước đó. Tại lần tăng giá này, giá điện tăng lên 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương ứng tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh).
Theo Quyết định 24 của Thủ tướng, phương án tăng giá điện trong khung 5-10% sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương.
Giá điện tăng 8,36%, mỗi gia đình sẽ mất thêm bao nhiêu tiền mỗi tháng?
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương)
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, với các hộ dùng điện nhiều dùng cho kinh doanh, EVN thống kê cả nước đang có 443.00 khách hàng. Theo đó, bình quân mỗi khách hàng phải trả thêm 500.000 đồng.
Về tác động tới hộ sản xuất, hiện cả nước có khoảng 1,413 triệu hộ sản xuất, mỗi hộ trả bình quân tiền điện hàng tháng là 12,9 triệu đồng, mức tăng thêm vào khoảng 869 nghìn đồng/khách hàng sản xuất.
"Đối với khách hàng sử dụng nhiều điện, chúng tôi cũng tiến hành khảo sát 40 doanh nghiệp sử dụng nhiều điện trong lĩnh vực sắt thép, xi măng… Ví dụ như điện sản xuất xi măng, có khách hàng sẽ tăng thêm khoảng hơn 7%, tương đương 13 triệu đồng/tháng nhưng có khách hàng tăng thêm tới 94 triệu đồng. Đối với khách hàng sản xuất thép, hộ thấp nhất tăng 5% (khoảng 50 triệu đồng), cao 8,28%...", ông Tuấn cho biết.
"Giá điện Việt Nam chỉ bằng 80% giá điện của 10 nước có cùng mức thu nhập"
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) tại Tọa đàm "Điều chỉnh giá điện, góc nhìn từ nhiều phía" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 21/3 tại Hà Nội.
Hiện giá điện của Việt Nam so với 8 nước Đông Nam Á chỉ bằng 58% giá điện bình quân, thậm chí giá điện của Việt Nam còn thấp hơn Singapore, Philipines, Lào, Campuchia. Sau khi điều chỉnh, giá điện Việt Nam mới chỉ bằng 66% giá điện bình quân 8 nước Đông Nam Á.
Vừa qua, có tổ chức đề nghị so sánh giá điện nước ta với các nước có mức thu nhập GDP/người giống với thu nhập GDP/người của Việt Nam, Bộ Công Thương tập hợp 10 nước và thấy giá điện của Việt Nam hiện bằng 80% các nước này. Sau khi điều chỉnh tăng giá điện 8,36% như vừa qua, giá điện Việt Nam mới bằng 91% giá điện bình quân của 10 nước có GDP tương đương Việt Nam.
Xăng dầu được giữ ổn định bất chấp giá thế giới tăng cao
Giá xăng dầu được giữ ổn định nhờ tăng mạnh xả quỹ bình ổn.
Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa phát đi thông tin về việc điều hành giá xăng dầu từ 20h tối ngày 18/3, chậm hơn so với bình thường khoảng 5 giờ, quyết định giữ nguyên mức trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng dầu như hiện hành.
Đồng thời, tăng mạnh mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu- Xăng E5RON92 lên 2.801 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 2.000 đồng/lít); Xăng RON95 lên 2.061 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.250 đồng/lít); Dầu diesel lên 1.343 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.354 đồng/lít); Dầu hỏa lên 1.065 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.078 đồng/lít); Dầu mazut lên 1.640 đồng/kg (kỳ trước chi sử dụng 1.400 đồng/kg).
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vẫn được giữ nguyên như cách đây 15 ngày dù giá mặt hàng này trên thị trường thế giới tăng cao.
Nguy cơ “đóng băng” sân bay lớn nhất Việt Nam vì quá tải nghiêm trọng
Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng
Sân bay Tân Sơn Nhất - TPHCM đã đạt hơn 40 triệu khách/năm, vượt công suất thiết kế 15 triệu, quá tải nghiêm trọng cả trên trời, dưới đất và trong nhà ga. Trước nguy cơ “đóng băng” sân bay lớn nhất Việt Nam , Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định phải cấp bách “giải cứu”, mở rộng T3.
Theo ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV): “Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải nghiêm trọng nên phải đưa về khai thác, phải dồn dịch, ưu tiên tất cả cho việc làm thủ tục hàng không nên không thể chăm lo được hết các tiện ích khác tại Tân Sơn Nhất. Đó chính là lí do vừa qua đánh giá 6 Cảng hàng không quốc tế thì Tân Sơn Nhất xếp cuối bảng”.
Chủ tịch ACV cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất không đáp ứng được nhu cầu của thị trường và việc mở rộng sân bay chậm trễ thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bị “đóng băng” công suất khai thác. “Đến mức nào đó đụng trần thì không thêm được nữa, đóng băng ở con số đó thì ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội.” - ông Lại Xuân Thanh cho hay.
Doanh nghiệp Nhà nước niêm yết, ngân sách sẽ có thêm 100 tỷ USD?
Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có góp ý về Dự thảo Luật Sửa đổi, Bổ sung một số Điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp , trong đó cho rằng, cần phải có những giải pháp quyết liệt để cải tổ DNNN.
Theo đó, khái niệm DNNN phải đổi mới theo hướng DNNN phải là doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước, phải niêm yết chứng khoán, và thuộc Danh mục ngành nghề mà nhà nước cần nắm giữ chi phối.
Đồng thời, duy trì chỉ còn rất ít loại hình DNNN cần nhà nước nắm giữ 100% vốn. Tất cả DNNN khác, và doanh nghiệp có cổ phần nhà nước không thuộc đối tượng trên thì phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn và niêm yết chứng khoán.
Để ràng buộc trách nhiệm, theo VAFI, tất cả thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát của DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước mà không tuân thủ các quy định như trên thì tự động bị mất chức vụ mà không cần ý kiến quyết định của cấp có thẩm quyền.
"Nếu áp dụng đầy đủ và quyết liệt các giải pháp trên thì trong vòng 15 năm tới, ngân sách nhà nước sẽ thu được khoảng 100 tỷ USD, số tiền này vừa góp phần giảm mạnh nợ chính phủ đồng thời dư sức để VN phát triển hoàn chỉnh hệ thống giao thông hiện đại cho toàn quốc, phát triển được hệ thống đường sắt cao tốc Bắc Nam, hệ thống đường sắt nội đô tại Hà Nội, TP.HCM", VAFI kiến nghị.
Mai Chi (tổng hợp)