Giá dầu thô giảm mạnh, Việt Nam trở lại trạng thái nhập siêu
(Dân trí) - Giá xuất khẩu dầu thô giảm 56,7% so với cùng kỳ năm 2014 đã khiến kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 36,5% và xuất khẩu xăng dầu giảm mạnh tới 54,9% so với cùng kỳ, khiến cán cân thương mại thâm hụt 500 triệu USD.

Trong số này, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 3,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 8,2 tỷ USD, tăng 0,1%; dầu thô đạt 290 triệu USD, giảm 30%, chủ yếu do giá xuất khẩu dầu thô giảm 21,1% so với tháng trước.
Bên cạnh đó, còn có một số mặt hàng xuất khẩu khác có kim ngạch giảm nhiều là rau quả giảm 31,9%; than đá giảm 31,6%; thủy sản giảm 20,8%; hóa chất giảm 19,8%; chè giảm 17,7%; xăng dầu giảm 16,8%...
Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu vẫn đạt kim ngạch tăng cao so với tháng trước là điện thoại các loại và linh kiện tăng 34,6%; hạt tiêu tăng 20,2%; gạo tăng 13,3%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 10,9%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1 năm nay vẫn tăng 9,7%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 8,2%.
Riêng kim ngạch xuất khẩu xăng dầu giảm 54,9%, chủ yếu do giá xuất khẩu dầu thô giảm 56,7% so với cùng kỳ năm 2014; than đá giảm 46,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 42,2%; dầu thô giảm 36,5%; hạt tiêu giảm 20,6%.
Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 2,6 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2014; EU đạt 2,4 tỷ USD, tăng 10,5%; ASEAN đạt 1,5 tỷ USD, tăng 3,7%; Trung Quốc đạt 1,4 tỷ USD, giảm 2,5%. Nhật Bản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 4,9%; Hàn Quốc đạt 610 triệu USD, tăng 13,5%.
Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng hơn 47%
Về chiều nhập khẩu, trong tháng 1, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu của cả nước tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực đầu tư nước ngoài tăng 41,4%; khu vực kinh tế trong nước tăng 28%.
Đáng chú ý, có một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là ô tô tăng 116,5% (riêng ô tô nguyên chiếc tăng 144,5%); phương tiện vận tải khác và phụ tùng tăng 72,4%; sắt thép tăng 65,5%; sản phẩm từ dầu mỏ tăng 59,3%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng 43,2%; vải tăng 38,6%; sản phẩm hóa chất tăng 30%; sợi dệt tăng 29,8%; xe máy và linh kiện, phụ tùng tăng 29,6%; giấy các loại tăng 21,6%; thuốc trừ sâu tăng 21,2%.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng với kim ngạch ước tính đạt 4,2 tỷ USD, tăng mạnh với 47,1% so với cùng kỳ năm 2014; ASEAN đạt 2 tỷ USD, tăng 26,6%; Hàn Quốc đạt 1,9 tỷ USD, tăng 12,6%; Nhật Bản đạt 1,2 tỷ USD, tăng 66,6%; EU đạt 788,2 triệu USD, tăng 32,4%; Hoa Kỳ đạt 580 triệu USD, tăng 34,1%.
Nhập siêu tháng 1 ước tính 500 triệu USD, bằng 3,9% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 1,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 690 triệu USD.
Bích Diệp