Giá dầu giảm sâu có thể khiến ngân sách giảm thu khoảng 70.000 tỷ đồng

Trong cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn với báo giới dịp đầu năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngày 19/1, Bộ Tài chính đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ diễn biến giá dầu thế giới tiếp tục giảm, có thể khiến ngân sách giảm thu khoảng 70.000 tỷ đồng, đồng thời đề xuất các giải pháp ứng phó với tình huống này.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Dự báo khoản giảm thu tăng 20.000 tỷ đồng

Dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 từ xuất khẩu dầu thô khoảng 93.000 tỷ đồng. Cách đây khoảng 1 tháng, theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá dầu thế giới giảm sâu khiến giảm thu khoảng 50.000 tỷ đồng, thì với việc áp dụng đồng bộ các giải pháp, sẽ vẫn đảm bảo cân đối thu như dự toán Quốc hội giao.

Đến nay, do giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu, nên tại cuộc gặp mặt báo chí đầu năm 2015, do Bộ Tài chính tổ chức ngày 20/1, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 19/1, Bộ Tài chính ước tính khoản giảm thu có thể tăng lên thêm 20.000 tỷ đồng so với mức dự báo cách đây một tháng. Giá dầu thế giới giảm tác động hai chiều lên nền kinh tế.
 
Giá dầu giảm sâu có thể khiến ngân sách giảm thu khoảng 70.000 tỷ đồng

Ở chiều tích cực, giá dầu giảm đang làm giảm đáng kể chi phí đầu vào của nhiều ngành, lĩnh vực, nên cải thiện hiệu quả kinh doanh của các DN, qua đó sẽ có đóng góp tốt hơn cho ngân sách. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, không thể phủ nhận giá dầu giảm sẽ gây khó khăn cho cân đối thu, chi NSNN.

Trả lời câu hỏi của báo giới: theo dự toán thu NSNN năm 2015 được Quốc hội phê duyệt, dự toán thu từ dầu thô là 93.000 tỷ đồng được tính toán dựa trên giá xuất khẩu bình quân 100 USD/thùng. Tuy nhiên, với mặt bằng giá dầu dưới 50 USD/thùng như hiện tại, liệu Bộ Tài chính có đề xuất điều chỉnh giảm giá xuất khẩu dầu thô bình quân cho sát với diễn biến thị trường, nếu điều chỉnh giảm, thì Bộ Tài chính có giải pháp nào để bù đắp vào phần giảm thu từ nguồn xuất khẩu dầu thô, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, đến nay, Bộ Tài chính chưa có ý định đề xuất điều chỉnh giảm giá xuất khẩu dầu thô bình quân, mà vẫn phấn đấu thu đạt dự toán.

“Với các giải pháp đồng bộ mà Bộ Tài chính đề xuất, cũng như những giải pháp quyết liệt mà Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo, điều hành, năm nay sẽ vẫn cố gắng thu đạt dự toán Quốc hội giao, qua đó đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách năm 2015”, ông Dũng khẳng định.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, theo dự báo của một số ít tổ chức trên thế giới, giá dầu sắp tới có thể dao động trong khoảng 20 - 50 USD/thùng. Nếu điều này xảy ra, thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bùng nổ sau giai đoạn giá dầu giảm sâu. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế trong nước. Bên cạnh số ít các tổ chức đưa ra khả năng giá dầu sẽ còn giảm sâu thêm, thì nhiều dự báo cho thấy, sắp tới giá dầu sẽ phục hồi ở mức 70 - 80 USD/thùng.

“Để ứng phó thành công với giá dầu giảm, còn rất nhiều việc phải lo, bởi nhiệm vụ thu ngân sách năm 2015 rất nặng nề”, Bộ trưởng Dũng trăn trở.

Một loạt giải pháp đang được Bộ Tài chính triển khai, để bù đắp cho phần giảm thu do giá dầu thô xuất khẩu giảm như: triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức cao nhất; kiểm soát chặt việc hoàn thuế, số hoàn thuế giá trị giá tăng không quá 85.000 tỷ đồng; tăng cường thu vào NSNN số thuế còn nợ đọng đến hết năm 2014 là hơn 70.000 tỷ đồng…

Giảm giá xăng dầu cần sát thị trường hơn

Trong khi giá dầu thế giới giảm sâu và giảm từng ngày, thì với cơ chế điều hành giá xăng dầu bất cập hiện hành là giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá, các chuyên gia cho rằng, điều này đang đẩy rủi ro cho các DN, người tiêu dùng, trong khi DN kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi.

Nhìn nhận về bất cập trên, Bộ trưởng Dũng chia sẻ, tuy thời gian giữa hai lần điều chỉnh liên tiếp giá đã giảm từ 30 ngày xuống 15 ngày, nhưng trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm nhanh và mạnh như hiện nay, đòi hỏi các DN kinh doanh xăng dầu phải tăng cường khả năng dự báo, để có thể đưa ra mức điều chỉnh giá nhanh hơn, nhiều hơn sao cho sát với diễn biến thị trường, để DN, người tiêu dùng được hưởng lợi. Điều này sẽ rất có lợi cho nền kinh tế.

Theo Hữu Hòe
Đầu tư Chứng khoán

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”