Giá dầu tăng vọt khi EU đồng ý cấm nhập khẩu phần lớn dầu Nga

Nhật Linh

(Dân trí) - Giá dầu trên thị trường thế giới lại đạt mức cao mới sau khi EU thông báo đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu một phần dầu Nga.

Giá dầu tăng vọt khi EU đồng ý cấm nhập khẩu phần lớn dầu Nga - 1

Giá dầu tăng vọt ngay sau khi EU tuyên bố đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu một phần dầu Nga (Ảnh: Getty).

Lúc 7h30 sáng nay (giờ Việt Nam), trên trang oilprice, giá dầu WTI tăng tiếp 0,63 USD, tương đương 0,55%, lên mức 115,3 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng tăng 1,17 USD, tương đương 0,96%, lên mức 122,8 USD/thùng.

Trước đó, ngay sau khi EU tuyên bố đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu một phần dầu Nga, giá dầu Brent đã vọt lên mức 124,64 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 9/3.

Tuy nhiên, các hợp đồng dầu Brent giao tháng 8 đã giảm 1,7% xuống còn 115,6 USD/thùng sau khi các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) được cho là đang xem xét đình chỉ thỏa thuận sản xuất với Nga.

Hôm qua, các nhà lãnh đạo EU cho biết họ sẽ cấm phần lớn lượng dầu nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay để trừng phạt Moscow vì cuộc chiến tại Ukraine.

Lệnh cấm trên sẽ được áp dụng đối với nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển, chiếm khoảng 2/3 lượng nhập khẩu của EU, nhưng không áp dụng đối với nhập khẩu dầu bằng đường ống sau khi vấp phải sự phản đối của Hungary.

Ba Lan và Đức cũng cam kết chấm dứt nhập khẩu dầu Nga thông qua đường ống, đồng nghĩa 90% tổng lượng dầu Nga sẽ bị chặn.

Biện pháp trừng phạt mới này sẽ áp dụng đối với dầu thô Nga được vận chuyển bằng đường biển và được thực hiện trong hơn 6 tháng. Đối với các sản phẩm tinh chế, lệnh cấm sẽ thực thi trong 8 tháng.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết thỏa thuận này đã cắt đứt một phần nguồn tài chính khổng lồ tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Nga.

Theo BBC, lệnh cấm này là một phần trong gói trừng phạt thứ 6 được tất cả 27 thành viên EU nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU diễn ra hôm qua.

Nga hiện cung cấp 27% lượng dầu nhập khẩu và 40% lượng khí đốt cho EU. Mỗi năm khối này phải trả cho Nga khoảng 400 tỷ euro (430 tỷ USD).

Cho đến nay, vẫn chưa có lệnh trừng phạt nào đối với nhập khẩu khí đốt của Nga, mặc dù kế hoạch mở một đường ống dẫn khí đốt mới từ Nga sang Đức đã bị đóng băng.

Anh, nước nhập 8% dầu từ Nga, cũng đã cam kết loại bỏ dầu Nga vào cuối năm nay.

Theo BBC, Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm