1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

EU bế tắc trong việc đồng thuận cấm vận dầu Nga

Nhật Linh

(Dân trí) - Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) hôm qua cho biết, họ đã thất bại trong việc đồng thuận cấm vận dầu Nga giữa các thành viên trong khối.

EU bế tắc trong việc đồng thuận cấm vận dầu Nga - 1

EU đang bế tắc trong việc đồng thuận cấm vận dầu Nga (Ảnh: Bloomberg/Getty).

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho rằng "vẫn còn quá nhiều chi tiết cần giải quyết" để hy vọng đạt được thỏa thuận trước khi các nhà lãnh đạo EU nhóm họp tại Brussels vào chiều nay (theo giờ địa phương).

Việc áp đặt các lệnh cấm đối với nhập khẩu dầu Nga là một phần trong gói trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Nga sau cuộc chiến tại Ukraine.

Gói trừng phạt này bao gồm loại bỏ ngân hàng lớn nhất Nga, Sberbank, ra khỏi hệ thống nhắn tin quốc tế SWIFT, cấm các đài truyền hình Nga đưa tin từ EU và đưa nhiều cá nhân vào danh sách đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh vào EU.

Tuy nhiên, gói trừng phạt tổng thể này bị Hungary phản đối vì cho rằng lệnh cấm vận dầu Nga sẽ giáng đòn vào nền kinh tế nước này vì họ không thể dễ dàng nhập dầu từ các nơi khác. Slovakia và Cộng hòa Séc cũng có lo ngại tương tự.

Các cuộc đàm phán về cấm vận dầu Nga đã diễn ra trong một tháng qua mà chưa đạt được tiến bộ nào. Các nhà lãnh đạo EU mong muốn sẽ đạt một thỏa thuận trong hội nghị thượng đỉnh của khối này diễn ra vào hôm nay để tránh bị chia rẽ giữa các thành viên trong phản ứng với Moscow.

Để phá vỡ bế tắc, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất lệnh cấm chỉ áp dụng đối với dầu Nga chở vào EU bằng các tàu chở dầu, cho phép Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc tiếp tục được nhập dầu Nga qua đường ống Druzhba trong một thời gian nữa cho đến khi thu xếp được nguồn cung thay thế.

Các quan chức cho biết, Budapest ủng hộ đề xuất này, nhưng các cuộc đàm phán hôm qua lại gặp khó khăn với vấn đề tài chính của EU khi Hungary muốn tăng công suất đường ống dẫn dầu từ Croatia và chuyển các nhà máy lọc dầu của họ từ sử dụng dầu Ural của Nga sang dầu Brent.

Điều này khiến một số quốc gia thành viên cho rằng không công bằng với họ và sẽ làm giá nhiên liệu trên khắp châu Âu thay đổi.

Những vấn đề này sẽ tiếp tục được các đặc phái viên của EU thảo luận trong sáng nay và làm sao để đảm bảo cạnh tranh công bằng khi các quốc gia áp lệnh trừng phạt dầu Nga phải nhập dầu Brent với mức giá cao hơn.

Theo Reuters