Báo Mỹ: EU đề xuất loại bỏ dầu Nga vào cuối năm nay

Nhật Linh

(Dân trí) - Bloomberg dẫn nguồn cận tin cho hay, Liên minh châu Âu dự kiến sẽ đề xuất lệnh cấm dầu Nga vào cuối năm nay, với việc hạn chế dần nhập khẩu dầu Nga từ nay cho đến lúc đó.

Báo Mỹ: EU đề xuất loại bỏ dầu Nga vào cuối năm nay - 1

Liên minh châu Âu dự kiến sẽ đề xuất lệnh cấm dầu Nga vào cuối năm nay (Ảnh: Bloomberg).

EU cũng sẽ loại bỏ nhiều ngân hàng của Nga và Belarus ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT hơn, trong đó bao gồm cả ngân hàng Sberbank, nguồn tin giấu tên cho biết.

Trước đó, Mỹ và Anh cũng đã áp các lệnh trừng phạt đối với Sberbank, tổ chức tài chính lớn nhất của Nga.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết, quyết định về các lệnh trừng phạt mới này có thể sẽ sớm được đưa ra vào tuần tới trong cuộc họp của các đại sứ khối này. Đây sẽ là gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga kể từ sau khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2.

Các lệnh trừng phạt của EU bắt buộc phải được 27 quốc gia thành viên thông qua. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên như Hungary vẫn phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào dầu Nga.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, từ lâu vốn phản đối các lệnh trừng phạt đối với dầu và khí đốt của Nga, nhưng mới đây đã bất ngờ "quay xe" tuyên bố ủng hộ lệnh cấm vận dầu Nga.

Bloomberg cho rằng lệnh cấm vận dầu Nga sẽ tác động đáng kể đến nguồn thu của Nga vì EU là khách hàng tiêu thụ lớn nhất đối với dầu thô và các nhiên liệu của Nga. Năm 2019, gần 2/3 lượng dầu thô nhập khẩu của khối này đến từ Nga.

Để cắt giảm doanh thu từ dầu thô của Nga, các biện pháp được thảo luận bao gồm áp mức giá trần, đặt cơ chế thanh toán đặc biệt và áp đặt thuế quan. Belarus cũng sẽ được đưa vào lệnh cấm này.

Cuộc thảo luận trừng phạt dầu Nga diễn ra trong bối cảnh EU và Moscow đang có những bất đồng về việc thanh toán nhập khẩu khí đốt. Trước đó, Tổng thống Putin đã yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" phải thanh toán khí đốt bằng đồng rúp, nếu không sẽ "khóa van" cung cấp khí đốt. Tuy nhiên, EU cho rằng yêu cầu này sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt của khối.

Mới đây, Ba Lan và Bulgaria đã bị cắt nguồn cung khí đốt do không tuân thủ điều khoản thanh toán mới của Tổng thống Nga Putin. Tuy nhiên, các quốc gia khác vẫn tự tin họ có thể giữ cho dòng khí đốt được lưu thông.

Theo Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Khí sạch, EU đã nhập khẩu khoảng 44 triệu euro (46 triệu USD) các nhiên liệu hóa thạch từ Nga kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine diễn ra.

Ngoài ra, theo nguồn tin, các đề xuất khác được thảo luận như một phần của gói trừng phạt mới bao gồm hạn chế dịch vụ tư vấn và các dịch vụ dựa trên đám mây, cũng như mua bất động sản. Bên cạnh đó, EU cũng có thể trừng phạt thêm nhiều cá nhân bao gồm các quan chức quân đội, giới tài phiệt Nga và những người có liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine.

Theo Bloomberg