1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá dầu giảm mạnh, tăng trưởng GDP 2015 có đáng lo ngại?

(Dân trí) - Theo HSBC, cấu trúc ngành xuất khẩu Việt Nam đã có sự chuyển đổi. Nếu như năm 2006, dầu thô chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu trong khi điện thoại chỉ là 0% thì đến năm 2014, dầu thô chỉ chiếm 4,8% trong khi điện thoại di động là 16,1%.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Tại báo cáo vĩ mô tháng 1/2015 vừa được HSBC công bố, tổ chức này cho rằng, nếu chỉ nhìn thoáng qua, năm nay có thể được đánh giá sẽ là một năm khó khăn khi Việt Nam là quốc gia chú trọng xuất khẩu nhưng nhu cầu toàn cầu lại đang chậm lại. 

Bên cạnh đó, giá dầu giảm sẽ làm hạn chế nguồn thu ngân sách quan trọng và thu nhập xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nhu cầu trong nước mặc dù đã có sự cải thiện một cách chậm chạp, vẫn bị ảnh hưởng bởi các khoản nợ xấu cao của ngành ngân hàng và sự bảo thủ của lĩnh vực tư nhân.

Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn thì nền kinh tế sẽ đạt mức tăng mạnh trong năm 2015. Dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2015 sẽ tăng 6,1% so với mức 6% trong năm 2014. 

Dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 của Việt Nam đạt 6,1%
Dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 của Việt Nam đạt 6,1%

Mặc dù nhu cầu thấp và giá cả hàng hóa yếu chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến việc xuất khẩu nguyên vật liệu thô của Việt Nam, tuy nhiên, nền kinh tế và cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ngày càng đa dạng hơn - ít phụ thuộc vào các mặt hàng nguyên liệu thô mà phụ thuộc nhiều hơn vào ngành sản xuất. 

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của HSBC trong tháng 12 đã tăng lên 52,7 điểm so với mức 52,1 điểm trong tháng 11, tương ứng với mức tăng trưởng GDP trong quý IV/2014 đạt mức 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo nhận định của HSBC thì việc tăng khả năng cạnh tranh chi phí lao động tương đối là nguyên nhân chính. Trong năm 2014, nền kinh tế đã thu hút 12,4 tỷ USD của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được giải ngân và 20,2 tỷ USD của nguồn vốn đăng ký FDI. Hầu hết các hoạt động đầu tư đều đổ vào ngành sản xuất giúp chuyển đổi cấu trúc ngành xuất khẩu của Việt Nam. 

Nếu như năm 2006, dầu thô chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu trong khi điện thoại chỉ là 0% thì đến năm 2014, các lô hàng dầu thô đã giảm chỉ còn 4,8% trong khi điện thoại di động đã tăng lên 16,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. HSBC hy vọng, giá trị xuất khẩu sẽ tăng 12% trong năm 2015.

Dù vậy, chi phí lao động rẻ vẫn chỉ là một lợi điểm, trong khi đầu tư cơ sở hạ tầng mới là yếu tố quan trọng. Việt Nam đang cải thiện mạng lưới kết nối của mình với các dự án đang trong quá trình chuẩn bị để xây dựng đường giao thông và mở rộng các thỏa thuận hợp tác thương mại tự do. Điều này sẽ giúp giảm chi phí giao dịch và có tác động lan tỏa tích cực đến các ngành công nghiệp khác như giao thông vận tải. 

Ba lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong năm 2014 là: khí đốt và điện (tăng 12,1%), thông tin và truyền thông (tăng 9,1%), và sản xuất (tăng 8,5%).

HSBC cũng chi ra rằng, bên cạnh những ưu điểm trên, kinh tế Việt Nam 2015 vẫn sẽ còn phải đối mặt với những thách thức chính yếu bao gồm nợ xấu và thiếu hụt nguồn lực lao động có kỹ năng.

Giá cả hàng hoá thấp hơn sẽ là cú sốc nguồn cung tích cực đối với nền kinh tế đang ngày càng công nhiệp hoá. Nhu cầu từ Mỹ tăng cao và và việc tham gia vào các hiệp ước thương mại cũng sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu. Tuy nhiên, thâm hụt tài chính của Việt Nam sẽ phải chịu chi phí của giá dầu ngày càng hạ thấp. Chính vì vậy, HSBC dự đoán thâm hụt tài chính vào khoảng 6% trên GDP, cao hơn so với mục tiêu 5% của Chính phủ cho năm 2015.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm