Chính phủ "lệnh" siết ngân sách từ đầu năm

(Dân trí) - Không mua xe công, không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi NSNN khi chưa có nguồn bảo đảm; cắt giảm tối đa chi phí hội nghị, hội thảo, khởi công, động thổ, đi công tác nước ngoài...là những biện pháp được Chính phủ nêu rõ tại Nghị quyết đầu tiên của năm 2015.

Với mặt bằng giá dầu năm 2015 ở mức 60 USD/thùng, NSNN dự kiến hụt thu 43.000 tỷ đồng
Với mặt bằng giá dầu năm 2015 ở mức 60 USD/thùng, NSNN dự kiến hụt thu 43.000 tỷ đồng

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Tại Nghị quyết số 01 – Nghị quyết đầu tiên của năm 2015, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm chỉnh đốn, siết chặt tài khóa nhằm giảm chi thường xuyên. Theo đó, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương điều hành, quản lý chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ theo đúng dự toán được giao. 

Đáng chú ý là Nghị quyết nêu rất rõ, Bộ Tài chính “không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách Nhà nước khi chưa có nguồn bảo đảm” và phải “rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, hạn chế tối đa xử lý bổ sung ngoài dự toán”.
 
Bộ này cũng được giao phải hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công. 

Có những nhiệm vụ rất cụ thể đã được Nghị quyết nêu ra, cụ thể, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài từ ngân sách Nhà nước; định kỳ hằng quý, báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
Chính phủ giao rõ “không mua xe công”, trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật, xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị mới thành lập mà không có xe để điều chuyển, xe ô tô bị hư hỏng do nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe phục vụ công tác và xe cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đến hạn thay thế theo quy định. 

Đồng thời, cũng “không ứng trước dự toán ngân sách Nhà nước năm sau”; trường hợp đặc biệt (thiên tai, bão, lũ, dịch bệnh, nhiệm vụ cấp thiết về quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ quan trọng, cấp bách...) thì phải trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
 
Các bộ, cơ quan và địa phương cắt giảm tối đa các khoản kinh phí hội nghị, hội thảo, các hoạt động phô trương, lãng phí không cần thiết. Thay vào đó là tổ chức hội nghị, hội thảo trực tuyến, trừ các cuộc họp đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp, các ngày lễ lớn cũng phải bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. “Không đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, chế độ mới hoặc tăng định mức chi dẫn đến tăng chi ngân sách nhà nước; Chính phủ không xem xét, xử lý các đề xuất này” – Nghị quyết ghi.
 
Về phía chi cho đầu tư phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung vốn đầu tư cho các công trình quan trọng, cấp bách có khả năng hoàn thành trong năm 2015 để sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quy trình, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển; bảo đảm vốn đối ứng cho các dự án ODA.

Theo mục tiêu được nêu tại Nghị quyết, trong năm 2015 này, Việt nam sẽ phấn đấu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30-32% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động.

Trước đó, vào tháng 11/2014, Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách nhà nước năm 2015 với tổng số thu cân đối NSNN là 911,1 nghìn tỷ đồng; nếu tính cả 10 nghìn tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015 thì tổng số thu cân đối NSNN là 921,1 nghìn tỷ đồng. 

Tổng số chi cân đối NSNN là 1.147,1 nghìn tỷ. Mức bội chi NSNN là 226 nghìn tỷ đồng tương đương 5% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Ủy ban Giám sát Tài chính ngân sách mới đây cũng đưa ra nhận định, nếu giá dầu thanh toán trung bình năm 2015 là 60 USD/thùng thì thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô sẽ hụt 37.000 tỷ đồng so với dự toán (tương ứng 4% tổng thu ngân sách nhà nước) và giảm 47% so với ước thực hiện của năm 2014.

Bên cạnh đó, giả định các mức thuế nhập khẩu và phí xăng dầu giữ nguyên như đầu năm 2014 thì với giá dầu như trên, thu ngân sách sẽ hụt thêm 6.000 tỷ đồng. Do vậy tổng mức hụt ngân sách nhà nước từ xuất khẩu dầu và thuế, phí nhập khẩu dầu vào khoảng 43.000 tỷ đồng, bằng 4,6% tổng thu ngân sách năm 2015.

Còn với tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách nhà nước sẽ hụt thu 1.000 tỷ đồng, thì trong bối cảnh mặt bằng giá dầu giảm ở ngưỡng 50 USD/thùng như hiện nay, NSNN sẽ hụt khoảng 50.000 tỷ đồng.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”