Tiếp tục sụt mạnh, giá dầu về 50 USD/thùng
(Dân trí) - Đợt bán tháo trên thị trường dầu thô thế giới chưa có dấu hiệu chững lại dù đã bước sang năm 2015. Phiên hôm qua (5/1), giá dầu quốc tế có lúc giảm 6%, xuống mức thấp nhất trong gần 6 năm do tiếp tục chịu sức ép từ tình trạng dư thừa nguồn cung.
Ảnh minh họa.
Phiên này, giới đầu tư ồ ạt bán dầu sau khi có số liệu cho thấy sản lượng dầu của Nga lên mức cao nhất kể từ khi Liên Xô tan rã và xuất khẩu dầu lửa của Iraq đạt đỉnh 35 năm.
Hãng dầu lửa ConocoPhillips của Mỹ khiến thị trường càng thêm bi quan khi tuyên bố lần đầu tiên phát hiện thấy dầu tại dự án thăm dò của hãng thuộc vùng biển Bắc của Nauy.
Chưa hết, Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lửa hàng đầu thế giới, tuyên bố giảm giá bán dầu cho khách hàng châu Âu. Đây là lần thứ sáu kể từ tháng 6/2014 nước này giảm giá bán dầu trong bối cảnh giá dầu thô quốc tế liên tục trượt dốc.
Giới phân tích đánh giá, động thái giảm giá của Saudi Arabia là một bằng chứng nữa cho thấy nước này đang quyết liệt bảo vệ thị phần của mình trên thị trường dầu lửa. Saudi Arabia, nước có ảnh hưởng lớn nhất trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cũng giảm giá bán dầu cho các khách hàng Mỹ tháng thứ sáu liên tiếp, nhưng tăng giá bán dầu cho khách châu Á.
Áp lực giảm giá trên thị trường dầu càng gia tăng khi đồng Euro giảm giá xuống mức thấp nhất trong 9 năm và số liệu thống kê mới nhất cho thấy sản xuất công nghiệp của Mỹ tăng trưởng chậm hơn dự kiến.
“Rõ ràng, đang có sự kết hợp giữa nguồn cung thừa thãi và nhu cầu suy yếu”, nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group ở Chicago nhận xét.
Chốt phiên, giá dầu thô ngọt nhẹ giảm 2,65 USD/thùng, tương đương mức giảm 5%, còn 50,04 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu ngọt nhẹ còn 49,77 USD/thùng, thấp nhất từ tháng 4/2009.
Giá dầu thô Brent đóng cửa ở mức 53,11 USD/thùng, giảm 3,31 USD/thùng, tương đương 6%. Trong phiên, có thời điểm giá dầu loại này giảm về mức 52,66 USD/thùng, thấp nhất từ tháng 5/2009.
Từ tháng 6/2014 tới nay, giá dầu đã giảm gần 55% từ mức 117 USD/thùng đối với giá dầu Brent và 107 USD/thùng đối với giá dầu ngọt nhẹ.
Nguyên nhân chính dẫn tới sự trượt dốc này của giá dầu là sự lo ngại của giới đầu tư về nguồn cung gia tăng mạnh của dầu đá phiến tại Mỹ. Dầu thô càng rớt giá mạnh sau khi OPEC quyết định không cắt giảm sản lượng trong cuộc họp vào tháng 11 vừa qua.
Một số nhà giao dịch cho rằng, giá dầu ngọt nhẹ tại Mỹ có thể giảm về vùng 40 USD/thùng trong tuần này nếu số liệu hàng tuần cho thấy dự trữ dầu lửa của Mỹ tăng.
Theo dữ liệu do Bộ Năng lượng Nga đưa ra, năm ngoái, sản lượng dầu của nước này bình quân ở mức 10,58 triệu thùng/ngày, tăng 0,7%, cao nhất kể từ khi Liên Xô tan rã. Còn theo một phát ngôn viên Bộ Dầu lửa Iraq, xuất khẩu dầu lửa của nước này trong tháng 12 vừa qua lên cao nhất từ năm 1980.
Phương Anh
Theo Reuters
Theo Reuters