Giá cả thị trường vẫn thờ ơ với Tết
(Dân trí) - Do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu ngày 18/12 nên trong rổ tính CPI, chỉ số giá giao thông tăng mạnh nhất 1,22%. Ngoài ra, chỉ số giá lương thực, thực phẩm đã có dấu hiệu biến động khá mạnh với mức tăng ở nhóm lương thực là 1,33%.
Kỳ tính giá CPI tháng 1 chỉ tới ngày 15 nên chưa phản ánh được toàn bộ không khí sắp Tết của người tiêu dùng.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Cổ phiếu BIDV mất điểm trong sáng đầu tiên chào sàn Chủ tịch BIDV nói về thời điểm cổ phiếu BID chào sàn |
Theo đánh giá của TCTK, với mức tăng 0,69% so với tháng trước, mức tăng CPI là khá thấp so với mức tăng cùng kỳ của một số năm trước. Nguyên nhân một mặt do nhiều địa phương triển khai các chương trình bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên Đán, mặt khác do sức mua của thị trường vẫn ở mức thấp.
So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 của Hà Nội tăng 0,7%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,4%; Thái Nguyên tăng 0,43%; Hải Phòng tăng 0,67%; Thừa Thiên Huế tăng 0,92%; Đà Nẵng tăng 0,74%; Khánh Hòa tăng 0,86%; Gia Lai tăng 1,29%; Vĩnh Long tăng 0,4%; Cần Thơ tăng 0,83%.
Trong số 11 nhóm hàng hóa thuộc rổ tính CPI cả nước tháng 1 thì có tới 10 nhóm tăng và chỉ có duy nhất nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá đứng yên. Các nhóm còn lại, giá đều nhích nhẹ.
Hai nhóm hàng có chỉ số giá tăng mạnh nhất trong tháng đầu năm là nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 1,02% so với tháng trước và 6,57% so với tháng 1/2013. Nhóm này bao gồm tiền thuê nhà, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng.
Nhóm giao thông có mức tăng lên tới 1,22% so với tháng 12 và 3,86% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do trong kỳ tính CPI tháng 1, vào ngày 18/12/2013, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng từ 580-650 đồng/lítở vùng I. Vùng 2, giá xăng dầu tăng 590-660 đồng/lít. Riêng dầu hỏa tăng 380 đồng/lít.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ thống kê giá thuộc Tổng cục Thống kê cho biết, với mức tăng giá xăng dầu trung bình 580 đồng/lít tháng vừa rồi sẽ ảnh hưởng đến CPI tháng 1/2013 của cả nước là 0,1%.
Hơn nữa, việc chỉ số giá giao thông tăng mạnh còn do một số hãng vận tải chủ động tăng giá cước trước Tết giữa lúc nhu cầu mua vé trước để về Tết hoặc du lịch của người dân thường được thực hiện sớm.
Một số nhóm hàng hóa khác do tính mùa vụ nên có mức tăng cao hơn mặt bằng chung là đồ uống và thuốc lá (tăng 0,83%); may mặc, mũ nón, giầy dép (tăng 0,89%).
Nhóm có trọng số lớn nhất trong rổ CPI là hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm 39%) có mức tăng 0,77% so với tháng trước và 5,89% so với cùng kỳ. Trong đó, lương thực tăng mạnh 1,33%, thực phẩm tăng 0,75% và ăn uống ngoài gia đình lại có mức tăng khiêm tốn nhất trong nhóm này với 0,32%.
Do kỳ tính của CPI tháng 1/2014 kết thúc vào ngày 15/1, do đó, chỉ số CPI chưa phản ánh hết sức mua của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ. Theo ghi nhận, không khí sắm sửa Tết năm nay diễn ra khá muộn, do đó, các biến động cung – cầu dịp Tết sẽ đươc phản ánh rõ nét hơn vào CPI tháng 2/2014.
Ngoài ra, để tránh biến động giá do áp lực cầu đẩy CPI tháng Tết lên cao, vừa rồi Bộ Tài chính đã có công văn gửi 19 tỉnh thành yêu cầu tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp kiểm soát lạm phát.
Các địa phương này bao gồm Bình Dương, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Điện Biên, Đà Nẵng, Tây Ninh, Tiền Giang, Hà Nội, Nam Định, Long An, Đắk Lắk, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Bắc Kạn, Bình Phước - đều là những địa phương có mức tăng CPI năm 2013 cao hơn mặt bằng chung của cả nước.
Nằm ngoài rổ tính giá, chỉ số giá vàng tháng 1/2014 giảm 1,82% so với tháng trước; giảm 25,74% so với cùng kỳ năm 2013. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,06% so với tháng trước nhưng tăng 1,03% so với cùng kỳ năm 2013.
Bích Diệp