Giá cả leo thang “sát sườn” tháng khuyến mãi

(Dân trí) - Đang háo hức đón tháng khuyến mãi lớn nhất trong năm diễn ra vào tháng 9/2010, các bà nội trợ TPHCM lại đau đầu khi chứng kiến hàng loạt các mặt hàng rủ nhau tăng giá.

Giá cả leo thang “sát sườn” tháng khuyến mãi - 1
Nhiều mặt hàng tiêu dùng tại các siêu thị đã tăng giá từ 3 - 12%.
 
Hàng trăm mặt hàng tăng giá từ 3 - 12%
 
Hệ thống siêu thị ở TPHCM nhận được yêu cầu tăng giá hàng trăm mặt hàng tiêu dùng với mức tăng 3 - 12% từ giữa tháng 8/2010. Giá mới nhiều mặt hàng đã chính thức được áp dụng trong những ngày gần đây, “sát sườn” với tháng khuyến mãi của TPHCM. Dự kiến các mặt hàng khác sẽ được điều chỉnh giá trong thời gian tới.
 
Các mặt hàng tăng giá tập trung nhiều nhất ở nhóm thực phẩm như đồ hộp, bánh kẹo với gần 100 loại, mức tăng bình quân 5%; dầu ăn tăng 3%; hóa mỹ phẩm tăng 5 - 8%; gia dụng tăng 4 - 5%, hàng may mặc, nước giải khát có mức tăng cao nhất 5 - 12%...
 
Lý do tăng giá được các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp đưa ra là do nguyên liệu đầu vào tăng và do sự thay đổi tỉ giá USD.
 
Tại thị trường chợ truyền thống, chi tiêu hàng ngày của các bà nội trợ hơn nửa tháng nay cũng bị ảnh hưởng nhiều khi mà các mặt hàng thiết yếu như giá gas, gạo, đường… đều đã tăng lên đáng kể.
 
Ảnh hưởng của dịch heo tai xanh lan rộng tác động mạnh đến giá và mức tiêu thụ các loại thực phẩm “thay thế” như thịt bò, gà, thủy hải sản.
 
Giá thịt bò, gà vịt đều tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg, các loại cá có mức tăng cao hơn như cá nục, cá thu… tăng trên 7.000 đồng, thậm chí 10 - 15.000 đồng mỗi kg và vẫn trong xu hướng tiếp tục tăng.
 
“Kìm”… giá
 
Ý thức được việc tăng giá sẽ làm giảm sức mua trong mùa thấp điểm nên nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cho đến nhà phân phối đều không mặn mà với việc tăng giá. Nhiều đơn vị đang “oằn mình” để có thể “kìm” giá hàng hóa trong khả năng.
 
Trước những đề nghị tăng giá từ các doanh nghiệp sản xuất, các nhà phân phối đều xem xét rất kỹ lưỡng, ghi nhận tình hình thực tế của thị trường để tránh tình trạng đua nhau “té nước theo mưa”. Họ đều cân nhắc với các doanh nghiệp là tăng giá vào thời điểm này sẽ làm giảm sức mua.
 
Siêu thị Co.opMart đã có sự đàm phán với một số nhà cung cấp về đề nghị tăng giá. Theo đánh giá từ đại diện siêu thị này, trước những khó khăn khi nguyên liệu đầu vào và tỉ giá tăng thì việc tăng giá nhiều mặt hàng là điều khó tránh khỏi khi mà nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước phụ thuộc vào nguyên liệu nhập ngoại. Với những lý do tăng giá phù hợp thì nhà phân phối không thể từ chối.
 
Trước đó, trong buổi thông báo về chương trình khuyến mãi “Tự hào hàng Việt” do SaiGon Co.op tổ chức, đại diện một số nhà cung cấp như Vinamilk, Dutch Lady, Vissan, Kinh Đô, mì Colusa, dầu ăn Cái Lân, may Nhà Bè, bột giặt Lix… đều cam kết không tăng giá trong tháng khuyến mãi.
 
Hưởng ứng “Tháng khuyến mãi” các siêu thị BigC, Co.opMart, Maximark… đang có hàng loạt chương trình hấp dẫn khách hàng. Có thể nói, các khuyến mãi giảm giá, quà tặng đi kèm đã phần nào giảm bớt áp lực tăng giá cho khách hàng khi mua sắm.
 
Tuy nhiên, việc giữ giá trong thời điểm hiện tại chỉ là sự cố gắng “kìm hãm” tạm thời của các nhà sản xuất. Rất nhiều khả năng hàng hóa sẽ “bung” ra giá mới sau thời điểm tháng khuyến mãi.
 
Hoài Nam