Lo lắng chuyện tăng giá giữa mùa… ế

Hàng loạt siêu thị nhận được đề nghị tăng giá của nhà cung cấp với lý do: tỷ giá tăng, giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng. Thế nhưng thị trường đang bước vào mùa ế nhất trong năm nên các nhà kinh doanh bán lẻ đang lo lắng doanh số sụt giảm nếu tăng giá.

Lo lắng chuyện tăng giá giữa mùa… ế - 1
Nhiều siêu thị đã nhận đề nghị tăng giá ở nhóm hàng thực phẩm (ảnh: SGTT)

Ở các chợ hiện nay giá các mặt hàng mỹ phẩm, chất tẩy rửa, quần áo may sẵn, giày dép… ngoại nhập lẫn sản xuất trong nước đều đã tăng giá khoảng 3 - 5%.

Vừa tăng giá vừa khuyến mãi

Lý giải về việc tại sao quần áo may sẵn do chính cơ sở gia đình sản xuất, mà giá bán lẻ lại tăng 10.000 đồng/bộ, chị Liên, chủ sạp bán sỉ và lẻ cùng tên ở lầu 2 chợ An Đông nói: “Giá vải nhập tăng theo giá đôla, công thợ ngành may đang tăng rất mạnh, năm ngoái chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng, hiện nay đã là 3,5 triệu đồng/người/tháng, nên không thể bán giá cũ dẫu biết tháng 7 và 8 âm lịch là mùa bán ế”.

Có vẻ như chị Liên và các bạn hàng chung quanh đã trao đổi với nhau, nên sạp nào cũng tăng giá. Chị Liên khẳng định: “Tôi đã chần chừ rất lâu, tăng giá sau nhiều bạn hàng. Sạp kế bên có bỏ hàng cho siêu thị cũng đã tăng giá. Còn chị tôi bỏ quần áo cho mấy sạp ở Bến Thành đã tăng giá từ đầu tháng 8”.

Với lý do tỷ giá và nguyên liệu ngoại nhập tăng, hệ thống siêu thị Maximark đã nhận được đề nghị của hơn 100 nhà cung cấp tăng giá gần 500 mặt hàng tiêu dùng, tập trung nhiều nhất ở nhóm thực phẩm như đồ hộp, bánh kẹo với mức tăng bình quân 5%, dầu ăn tăng 3%, hoá mỹ phẩm tăng 5 - 8%, gia dụng tăng 4 - 5%, hàng may khoảng 5 - 10%...

Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark nhận xét: “Lý do tăng giá của nhà cung cấp chính đáng, nên không thể từ chối. Dù vậy siêu thị khuyến khích họ có các biện pháp khuyến mãi đi kèm để tránh sụt giảm doanh thu”.

Theo bà Thảo thì đợt tăng giá này sẽ bắt đầu từ tháng 9/2010, đúng vào thời điểm tháng khuyến mãi trên toàn TPHCM, nên chắc chắn các doanh nghiệp cung cấp hàng sẽ vừa khuyến mãi bằng quà tặng, bằng giảm giá, vừa với áp dụng mức giá mới. Và bà Thảo cho rằng: “Đây là cách tăng giá khéo léo”.

Tương tự như vậy, hệ thống Big C đã nhận được thông báo tăng giá của các nhà cung cấp đồ hộp nhập khẩu, với mức tăng 10%. Ở hệ thống Citimart, nhà cung cấp hàng ngoại nhập cũng đề nghị tăng giá khoảng 5 - 10% các mặt hàng thực phẩm, nước giải khát, gia vị… Sài Gòn Co.op cũng nhận được đề nghị tăng giá cả trăm mặt hàng, chủ yếu rơi vào ngành hàng phi thực phẩm như hoá mỹ phẩm, tiêu dùng nhựa, giấy... với mức tăng 5 - 12%.

Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Sài Gòn Co.op cho rằng: “Dù lý do của nhà cung cấp hàng là đúng với thực tế, nhưng Sài Gòn Co.op không thể để tăng giá vào tháng thấp điểm nhất trong năm được”.

Theo đánh giá của ông Nhân, hiện nay các đề nghị tăng giá chủ yếu là từ các doanh nghiệp nhỏ, còn các công ty có vốn lớn, dự trữ được nguyên liệu và có hàng dự trữ trong kho dồi dào vẫn chưa tăng giá. Tăng giá sẽ càng bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ có thương hiệu chưa đủ sức chi phối thị trường vì siêu thị chắc chắn sẽ ưu tiên nhập hàng giữ giá cũ.

Chính vì vậy Sài Gòn Co.op đang lên kế hoạch làm việc lại với doanh nghiệp để thảo luận về thời điểm thích hợp tăng giá và mức tăng giá. Theo ông Nhân, phải sau tháng 9 – tháng khuyến mãi của tất cả các cửa hàng và hệ thống siêu thị ở TP.HCM, và tốt nhất là vào khoảng giữa tháng 10 trở đi. Không tăng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức mua.

Hàng điện tử điện máy: không thể tăng giá

Ông Đặng Minh Đức, giám đốc tiếp thị của hệ thống bán lẻ Best Carings cho biết, nhóm hàng điện máy, công nghệ thông tin nói chung của Việt Nam đều dựa vào nguồn hàng nhập khẩu. Tính từ đầu năm tới nay, tỷ giá đã tăng 5% nhưng giá nhiều mặt hàng bán lẻ không thể tăng vì nhiều lý do, trong đó, quan trọng nhất là cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ với nhau.

Ông Đỗ Khoa Tân, giám đốc công ty điện tử Biên Hoà (Belco) cho rằng, khi tỷ giá tăng, không chỉ riêng các nhà nhập khẩu lo lắng mà các nhà sản xuất trong nước như Belco cũng đang đứng trước những thách thức mà doanh nghiệp không dễ vượt qua.

“Tăng giá vào lúc này hết sức nguy hiểm. Tình hình này phải cắt giảm nhiều khoản chi để bù lại phần tăng vì tỷ giá. Thay vì nhập khẩu, gia tăng sử dụng linh kiện trong nước, gia tăng số lượng sản xuất”, ông Tân chia sẻ.

Một nhà nhập khẩu máy tính thuộc nhóm nhà nhập khẩu có doanh thu cao nhất tỏ vẻ chán ngán: “Đang đàm phán với các nhà sản xuất giảm giá chút đỉnh để cân đối với tỷ giá nhưng chưa có kết quả. Nếu trong dịp này mà hàng bán được trên thị trường, việc tăng 500 đồng/USD cũng chẳng là gì ghê gớm lắm. Ngặt nỗi, lúc này thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục”.

Theo Minh Thành - Gia Vinh
Báo SGTT