1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Gen Z sắm đồ online thiếu kiểm soát: Chưa hết tháng đã hết lương

Vĩ Quang

(Dân trí) - Đối với nhiều người tiêu dùng trẻ, mua sắm trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí nhưng đôi khi mua sắm không kiểm soát lại dẫn đến việc chi tiêu nhiều hơn so với thu nhập, thậm chí rơi vào nợ nần.

Đặt gần 20 đơn hàng mỗi ngày, nợ tín dụng kéo dài

Mua sắm trực tuyến (online) đã trở thành xu hướng, điều này ít nhiều thay đổi hành vi của người tiêu dùng, đặc biệt là gen Z - nhóm người có năm sinh trong khoảng từ 1997 đến 2012. 

Trúc Vi (sinh năm 2000, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM) kể thói quen tiêu dùng của cô đã thay đổi sau đại dịch Covid-19. "Thay vì đi siêu thị, giờ mình chỉ chờ những đợt giảm giá của các sàn thương mại điện tử để săn đồ, từ thời trang cho đến, đồ gia dụng, nước rửa chén, nước rửa tay, dầu gội, sữa tắm… hầu như là tất cả mọi thứ đều được mua trên mạng", cô chia sẻ.

Gen Z sắm đồ online thiếu kiểm soát: Chưa hết tháng đã hết lương - 1

Nhiều người tiêu dùng trẻ hiện đối mặt với tình trạng "hết lương khi chưa hết tháng" do mua sắm thiếu kiểm soát (Ảnh: Vĩ Quang).

Trúc Vi kể cô thường mua số lượng nhiều để tiết kiệm chi phí hơn. Ví dụ, nếu đặt mua online "combo" 3 túyp kem đánh răng sẽ có giá 100.000 đồng sẽ rẻ hơn so với việc mua 1 túyp cùng loại với giá 60-70.000 đồng ngoài tiệm tạp hóa. "Mua hàng online vừa giúp tiết kiệm thời gian và cũng tiết kiệm được rất nhiều vì mình thường tận dụng mã giảm giá để mua hàng với giá tốt hơn", Vi nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể kiểm soát "cơn nghiện" mua sắm. Mỹ Anh - nhân viên kinh doanh tại TPHCM - chia sẻ rằng dịp giảm giá ngày đôi 10/10 gần đây nhất cô đặt gần 20 đơn hàng trong một đêm vì có nhiều ưu đãi hấp dẫn. Bình quân mỗi tháng cô chi hơn 5 triệu đồng để mua sắm online, chiếm đến 1/3 thu nhập.

"Mỗi khi thấy giảm giá và nghĩ sẽ cần dùng đến trong tương lai thì sẽ mua, tuy nhiên không ít những món hàng đã mua từ lâu nhưng lại chưa có dịp sử dụng đến, rất uổng phí", Mỹ Anh nói.

Việc kiểm soát chi tiêu không dễ. Nhiều người tiêu dùng trẻ hiện đối mặt với tình trạng "hết lương khi chưa hết tháng" do mua sắm thiếu kiểm soát, chi tiêu nhiều hơn thu nhập và lạm dụng thẻ tín dụng quá mức gây ra nợ thẻ tín dụng.

Kiệt Nguyễn - sinh viên mới ra trường và hiện là nhân viên văn phòng tại TPHCM với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/tháng - cho biết thời gian rảnh rỗi anh lướt xem sản phẩm và mua hàng rất nhiều nên anh thường xuyên sử dụng thẻ tín dụng/ví trả sau để thanh toán.

"Tiền lương mỗi tháng ngoài dùng để trả tiền thuê nhà và dành ra chi phí ăn uống, đi lại trong tháng, số còn lại để thanh toán các khoản nợ thẻ tín dụng và ví trả sau. Có tháng lãnh lương không đủ để thanh toán các khoản nên còn phải vay tiền từ bạn bè, người thân", Kiệt chia sẻ.

Anh còn cho biết anh còn phải trả góp ví trả sau mỗi tháng 1,8-2 triệu đồng cho đến tháng 4/2025, nhưng tình trạng mua sắm vẫn chưa dừng lại nên số nợ này có thể kéo dài hơn.

"Có đợt chậm trễ thanh toán các khoản nợ tín dụng, các bên ngân hàng gọi điện nhắc nhở rất nhiều. Họ gọi cho người thân, bạn bè trong danh sách tham chiếu khiến họ than phiền rất nhiều, mình cũng xấu hổ", Kiệt nói.

Làm gì để kiểm soát chi tiêu?

Thạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, chuyên gia tài chính cá nhân, khẳng định quản lý tài chính cá nhân là một trong những kỹ năng cần học và luyện tập để tạo dựng sự giàu có.

Chuyên gia cho rằng ngày nay, nền kinh tế phát triển, cơ hội kiếm tiền thuận lợi, các gói vay tiêu dùng, thẻ tín dụng nở rộ khiến nhiều người ưu tiên trải nghiệm sống, đi du lịch, mua sắm nhà cửa, thiết bị thông minh với tâm thế bằng bạn, bằng bè. Việc chi tiêu trước khi kiếm được tiền là biểu hiện của "người nghèo sang chảnh".

Gen Z sắm đồ online thiếu kiểm soát: Chưa hết tháng đã hết lương - 2

Chuyên gia khuyên nên lập ngân sách chi tiêu, phân loại thu nhập, chi tiêu thành các khoản riêng biệt (Ảnh: Mạnh Quân).

Chi tiêu vượt quá ngân sách bắt nguồn từ tính cách mỗi người, hình thành từ cách giáo dục của gia đình, nhận thức của bản thân, thói quen liên quan đến tiền bạc.

Thạc sĩ Tài Tuệ đưa ra những gợi ý để mỗi người hạn chế chi tiêu vượt quá ngân sách.

Đầu tiên, chúng ta cần có nhận thức rõ ràng về tiền bạc và tài chính cá nhân. Hãy hiểu rõ kết quả của việc biết tiết kiệm trước, chi tiêu sau, lường trước những hậu quả bản thân và gia đình sẽ phải đối mặt trong trường hợp rủi ro về tài chính. 

Tiếp theo, hãy tuân thủ một số nguyên tắc trong hoạch định tương lai tài chính, điển hình là lập ngân sách chi tiêu. Chuyên gia đưa gợi ý về việc áp dụng phương pháp quản lý chi tiêu của người Nhật Bản là Kakeiboo.

Phương pháp này phân loại thu nhập vào các khoản riêng biệt gồm "chi tiêu cho con cái", "chi tiêu cho nhà cửa", "chi tiêu cho đi lại", "chi tiêu cho sức khỏe"... và chỉ chi tiêu trong các khoản đã dự trù.

Bên cạnh đó, một vài phương pháp được coi là hữu ích trong việc quản lý chi tiêu gồm:

Phương pháp 1: Phân chia tiền theo quy tắc 6 quỹ

- Quỹ học tập phát triển bản thân: 10%

- Quỹ tự do tài chính: 10%

- Quỹ tiết kiệm dài hạn: 10%

- Quỹ tiêu dùng thường xuyên: 55%

- Quỹ tự thưởng cho bản thân: 10%

- Quỹ cho đi: 5%

Phương pháp 2: Hãy thực hiện các bước sau đây sau khi có thu nhập

- Bước 1: Tính toán số tiền cần thiết để đảm bảo gia đình chi tiêu ở mức tối thiểu

- Bước 2: Dành toàn bộ số tiền còn lại cho việc trả nợ

Cuối cùng, chuyên gia đưa ra lời khuyên dành cho những người trẻ trong việc quản lý chi tiêu. Theo ông, kiềm chế mua sắm là một việc không dễ, đặc biệt đối với người trẻ nhưng mọi người cần hiểu rõ rằng tiết kiệm là việc cần thiết. Nếu biết tiết kiệm khi còn trẻ và dùng số tiền này để đầu tư, trong tương lai, bạn sẽ nhận được lãi kép. 

Để hạn chế mua sắm, trước khi quyết định mua thứ gì đó, bạn hãy trả lời các câu hỏi sau đây:

- Bạn có thực sự cần nó không? Nếu không, hãy đi làm việc khác để quên đi cảm giác muốn có sản phẩm đó.

- Nếu có, hãy hỏi lại bản thân xem có thực sự cần hay không?

- Nếu không thực sự cần thì thôi, còn nếu thực sự cần thì thử hỏi xem có mượn hoặc thuê được không?

- Nếu thuê hoặc mượn được thì đừng mua, còn nếu không thuê hoặc mượn được thì hỏi bản thân rằng đợi một thời gian sau mới mua có được không?

- Nếu đợi được, có thể vài hôm nữa bạn sẽ thấy không cần thiết nữa. Còn nếu không thể đợi được, lúc đó mới quyết định mua.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm