Gặp gái xinh, dính quả lừa khuyến mại
Cứ vào dịp cuối năm, các doanh nghiệp kinh doanh hàng điện tử, điện máy lại tung chiêu khuyến mại đánh vào tâm lý hám rẻ của người tiêu dùng. Không ít “nhà tiêu dùng thông thái” đã trở thành “miếng mồi” ngon của chiêu thức này.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Việt Nam vay 250 triệu USD bảo trì đường bộ |
Gái xinh tốt bụng
Anh Nguyễn Minh Tuấn (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) kể, cách đây vài hôm, anh vào một siêu thị tại khu vực Văn Quán, Hà Đông được một nhân viên nữ xinh đẹp tiếp cận nhiệt tình giới thiệu bếp hồng ngoại nhãn hiệu Kiiche.
Thấy anh Tuấn chần chừ, nữ nhân viên liền ghé tai thì thầm: “Chiếc bếp này trị giá gần 5 triệu đồng, hôm qua bên em vừa kết thúc chương trình khuyến mãi lớn nhất trong năm, chỉ còn suất cho nhân viên, nếu anh cần, em sẽ đứng tên mua giúp, anh sẽ được thêm bộ nồi trị giá 2,5 triệu đồng”.
"Hàng điện máy, điện tử là mặt hàng thường bị làm giả, trong đó có giả về nguồn gốc xuất xứ. Nhiều người tiêu dùng đã bị mất tiền oan khi mua hàng có nhãn mác xuất xứ Nhật, Mỹ... nhưng thực ra là hàng Trung Quốc sản xuất và giả nguồn gốc xuất xứ” - Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam |
Nghe bùi tai, anh Tuấn dốc ví mua ngay. Ai ngờ, đến khi về nhà mới biết mình bị lừa. Hóa ra, ngày nào nhóm nhân viên này cũng bán hàng tại đây với kiểu tặng “suất khuyến mãi” ấy. Trong khi thực tế cả hai món đồ chỉ đáng giá 3 triệu, đồng nghĩa anh Tuấn đã mất không 2 triệu đồng.
Tương tự, bác Hoàng (nhà ở Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) cũng bị “trúng quả lừa” tại chợ Ngọc Hồi gần nhà. “Chủ nhật rồi đi chợ, tôi thấy nhiều người xúm quanh một chiếc xe tải nhỏ bán đồ điện tử lưu động. Họ nói đây là hàng xịn, do cuối năm công ty bán rẻ cho nhân viên thay tiền thưởng Tết, nhưng nhân viên không có nhu cầu nên bán lại giá chỉ hơn 50% so với thị trường. Ham rẻ, tôi mua một máy sục ozon với giá một triệu đồng, được tặng kèm một máy sấy tóc. Tối về, con dâu tôi lên mạng xem mới biết giá máy này trên mạng chỉ hơn 800.000 ngàn đồng, còn cái máy sấy tóc hàng Tàu chỉ có mấy chục ngàn, thành ra mua đắt mà chả được bảo hành gì cả”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay, Hội vẫn thường nhận được điện thoại khách hàng phản ánh về việc bị mua hàng khuyến mãi với giá đắt hơn giá thị trường, đắt hơn những nơi khác không khuyến mãi. “Chính sách khuyến mãi, giảm giá mà nhà kinh doanh đưa ra không phải lúc nào cũng đúng nghĩa khuyến mãi, giảm giá. Người tiêu dùng thiếu kiến thức hoặc không tìm hiểu kỹ thông tin sẽ bị trả giá”, ông Hùng nói.
Khó kiểm soát giá khuyến mãi
Lĩnh vực điện máy ngày càng cạnh tranh quyết liệt bởi sự tham gia của nhiều thương hiệu, nhiều địa chỉ kinh doanh. Do đó, khuyến mãi, giảm giá đã trở thành chiêu kích cầu quen thuộc, nhất là vào dịp cuối năm. Tại thời điểm này, hầu như siêu thị điện máy nào cũng nhan nhản các biển giảm giá, khuyến mãi, xả hàng tồn kho, nhưng giá bán thực tế đến với người tiêu dùng có thực sự giảm hay không thì người mua khó nắm được.
Tại hội thảo Hướng tới thị trường phân phối hàng điện máy cạnh tranh lành mạnh và bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng mới đây, ông Nguyễn Phương Nam - Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết: Cục đã từng xử lý hai vụ đơn vị kinh doanh điện máy đăng ký chương trình khuyến mại đồ sộ nhưng thực tế lại không thực thi.
Bà Nguyễn Phương Lan - Trưởng phòng Giám sát và Quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh) cho biết, thị trường điện máy hiện có 35 doanh nghiệp tham gia và đều có hoạt động cạnh tranh quyết liệt, trực tiếp tại nhiều tỉnh, thành. Do đều là nhà phân phối nên các doanh nghiệp chủ yếu cạnh tranh về giá, chương trình hậu bán hàng, khuyến mãi… Do đặc điểm của hàng hóa là sau khi nhà sản xuất chuyển giao cho nhà phân phối là thuộc quyền nhà bán lẻ, nên quyền lợi của người tiêu dùng có được đảm bảo hay không đều phụ thuộc vào nhà bán lẻ.
Theo Hồng Xiêm