1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Gánh nặng nợ xấu đang… nhẹ dần

“Sự kết hợp đồng bộ và hài hòa các giải pháp ngày càng tạo hiệu ứng tích cực, giúp giữ vững lòng tin trên thị trường, cải thiện được bức tranh về nợ xấu” - đó là nhận xét của Chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Minh Phong về các giải pháp xử lý nợ xấu của NHNN trong thời gian qua.

Nợ xấu đang chuyển biến tốt
Nợ xấu đang chuyển biến tốt
 
Ông đánh giá như thế nào về các giải pháp xử lý nợ xấu mà NHNN đã triển khai?

Các giải pháp mà Chính phủ cũng như NHNN đã triển khai trong thời gian gần đây là hoàn toàn cần thiết, phù hợp và khá hiệu quả. Theo đó, những biện pháp tái cơ cấu sáp nhập đã được thực hiện theo hướng tự nguyện là chính. Quá trình tiếp cận các chuẩn mực chung về xếp loại và xử lý, kiểm soát nợ xấu ngày càng được thúc đẩy, dù còn cần tới hơn một lần gia hạn, giãn tiến độ thực hiện.

Thời hạn áp dụng việc phân loại nợ theo Thông tư 09 đã tạo độ giãn, củng cố lòng tin và làm tăng sức chịu đựng hợp lý cho việc xử lý nợ xấu, cả cho ngân hàng, khách hàng, cũng như cho xã hội. Giải pháp xử lý nợ xấu thông qua trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD và thông qua Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã đuợc coi trọng và góp phần tích cực vào cải thiện tình trạng nợ xấu.

Điều quan trọng là chúng ta đang đi đúng hướng, gánh nặng nợ xấu đã, đang và sẽ tiếp tục được cải thiện và ngày càng tốt hơn, giữ vững được lòng tin của thị trường vào triển vọng xử lý nợ.

Với VAMC, ông nhìn nhận như thế nào về hoạt động của Công ty này?

VAMC là một mô hình độc đáo, một cách làm mới, chưa có tiền lệ trong nước và cả nước ngoài. Mặc dù còn chưa đồng bộ về mặt pháp lý trong tổ chức, vận hành, nhất là vấn đề xử lý tài sản thế chấp và tiêu chí mua - bán nợ xấu, phát triển thị truờng nợ thứ cấp, song đây là một giải pháp mạnh dạn, khá sáng tạo, là một công cụ tương đối hữu hiệu trong bối cảnh chúng ta không có nhiều công cụ lựa chọn và thời gian để xử lý nợ xấu.

Số lượng nợ xấu đã được VAMC xử lý chưa nhiều (tính đến ngày 16/10/2014, VAMC đã mua được 6.203 khoản nợ tương ứng với 92.887 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua là 76.023 tỷ đồng của 37 tổ chức tín dụng, trong đó có cả những ngân hàng không thuộc diện phải bán nợ xấu; đồng thời, đã xử lý bằng các hình thức được khoảng 3.000 tỷ đồng), nhưng cái được lớn nhất là làm đa dạng hoá hệ thống công cụ và duy trì lòng tin của thị trường vào quá trình xử lý nợ dưới sự chỉ đạo của NHNN.

Hy vọng, những điều chỉnh thể chế thích hợp tới đây sẽ giúp VAMC có vai trò và hiệu quả cao hơn trong sứ  mệnh lịch sử ngày càng quan trọng hơn của mình…

Để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, theo ông, trong thời gian tới, cần có những giải pháp gì?

Xử lý nợ xấu cần phải có thời gian và trước mắt khó có thể có sự đột biến, do bối cảnh vĩ mô chưa thực sự sáng sủa, tổng cầu còn yếu, tăng trưởng tín dụng chưa cao, hoạt động của các TCTD và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn...

Tôi được biết, nợ xấu của các TCTD hầu hết đều có tài sản bảo đảm mà chủ yếu là bất động sản. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản bảo đảm hiện nay còn rất nhiều khó khăn,vướng mắc liên quan đến các quy định pháp lý, các quy trình, thủ tục trong thực tế triển khai và là một trong những trở ngại lớn đối với công tác xử lý nợ xấu trong thời gian qua.

Do đó, theo tôi, thời gian tới cần có sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành chức năng với ngành Ngân hàng trong việc triển khai đồng bộ 06 nhóm giải pháp xử lý nợ xấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD” ban hành kèm theo Quyết định số 843.

Đối với VAMC, chúng ta nên có sự điều chỉnh theo hướng tăng vốn điều lệ cho công ty này; phát triển thị trường nợ thứ cấp; tạo ra những tiêu chí mới để cho VAMC hoạt động tốt hơn, chẳng hạn tăng quyền lực cho VAMC, tạo ra cách thức để đo lường, đánh giá nợ, định giá nợ, xử lý tài sản thế chấp của các con nợ, trách nhiệm của NHTM trong việc trích dự phòng trong 5 năm…

Ngoài ra, để hạn chế phát sinh nợ xấu, NHNN cần tiếp tục có các giải pháp hướng dòng vốn tín dụng  vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và minh bạch trong hoạt động của các TCTD, đồng thời xử lý có hiệu quả vấn đề sở hữu chéo  trong hệ thống ngân hàng.

Xin cảm ơn ông!

Minh Phương