Vấn đề kinh tế "nóng" trong tuần:

Gắn mác “made in Vietnam”, Asanzo chưa hẳn đã sai?

(Dân trí) - Việc Asanzo liệu có vi phạm khi ghi “made in Vietnam” trên sản phẩm lắp ráp linh kiện nhập từ Trung Quốc tiếp tục gây chú ý tuần qua. Đồng thời, về đường sắt cao tốc Bắc - Nam, có ý kiến đề nghị “chưa nên nghĩ đến” siêu dự án này.

Chuyên gia tranh luận: Asanzo chưa chắc đã sai về nhãn mác "Made in Vietnam"!

Gắn mác “made in Vietnam”, Asanzo chưa hẳn đã sai? - 1

LS Trần Ngọc Trung, Cố vấn cho Công ty Luật Baker & Mckenzie

Tại Tọa đàm Như thế nào là hàng " made in Vietnam " vừa được tổ chức tại Hà Nội sáng 17/7, các chuyên gia về thương mại, tư vấn Luật đưa trực tiếp vấn đề Công ty Asanzo đang lùm xùm trong việc ghi "made in Vietnam" trên thương hiệu sản phẩm của mình để lấy ví dụ minh họa cho khoảng trống pháp lý và sự hiểu biết thế nào là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuỗi giá trị toàn cầu. 

Theo ông Trần Ngọc Trung, Luật sư, Cố vấn cho Công ty Luật Baker & Mckenzie: Vấn đề của Asanzo, nếu sử dụng linh kiện nhập Nhật để làm Made in Việt Nam thì dư luận có dậy sóng không? Ở đây, việc Asano bị dư luận lên án theo ông Trung xuất phát từ sự kỳ thị của người Việt vào hàng Trung Quốc nên không chấp nhận các sản phẩm này xuất xứ từ Trung Quốc mà ghi "made in Vietnam".

“Tôi cũng không nắm rõ được quy trình lắp ráp của Asanzo về các thiết bị điện tử đến đâu. Tuy nhiên, khả năng doanh nghiệp tự ghi xuất xứ Việt Nam là đúng vẫn có thể xảy ra.

Đơn cử như hiện nay đối chiếu với Hiệp định tự do thương mại ASEAN và Trung Quốc thì sản phẩm mà không có nguồn gốc từ Việt Nam, không được ghi "made in Vietnam". Tuy nhiên, với hiệp định WTO mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên thì doanh nghiệp có thể được phép” - ông Trung cho biết.

Theo lý giải của vị luật sư này: Nguyên tắc cộng gộp của WTO là hàng sản xuất cuối cùng ở quốc gia nào có nhập thiết bị từ một nước thứ 2 trong WTO thì có quyền ghi "made in" ở nước sản xuất cuối cùng.

Vụ Asanzo: Tổng cục Hải quan nói có nhiều lỗ hổng pháp lý, chưa thể kết luận!

Gắn mác “made in Vietnam”, Asanzo chưa hẳn đã sai? - 2

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan

Đây là thông tin được ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan đưa ra tại cuộc Họp báo chuyên đề về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ vừa diễn ra tại tại Hà Nội chiều 19/7.

Theo ông Tuấn: Hiện cơ sở xác định doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện nhập khẩu sau đó lắp ráp bán tại thị trường Việt Nam có đáp ứng tiêu chí xuất xứ với hàng Việt Nam hay không là không có. Nếu áp dụng với hàng nhập khẩu, xuất khẩu chúng ta có rõ ràng về giá trị gia tăng ở Việt Nam là bao nhiêu, quy tắc chuyển đổi mã HS từ đầu vào, đầu ra 4 số hay 6 số.

"Nếu hàng hóa xuất khẩu thì chúng ta có tiêu chí, còn đối với hàng hóa lưu thông trong nước, chúng ta chưa có tiêu chí, do vậy trường hợp doanh nghiệp nhập linh kiện về lắp ráp như thế nào thì được ghi và không được ghi "made in Vietnam" hiện là chưa có", Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho biết.

Việt Nam chưa nên nghĩ đến đường sắt cao tốc 58,7 tỷ USD tốn kém, nhiều rủi ro

Gắn mác “made in Vietnam”, Asanzo chưa hẳn đã sai? - 3

Giáo sư Trần Văn Thọ, Giáo sư kinh tế tại Trường Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản trong lần tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tại Hà Nội

"Việt Nam chưa nên nghĩ đến dự án đường sắt cao tốc 58,7 tỷ USD tốn kém, nhiều rủi ro, nhiều bất định và kèm theo là phải hy sinh nhiều dự án cấp thiết, quan trọng hơn đối với công cuộc phát triển của đất nước".

Đây là quan điểm của Giáo sư Trần Văn Thọ, Giáo sư kinh tế tại Trường Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản, nguyên thành viên chuyên môn trong Hội đồng Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nhật, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc...

Trong nước nhiều người chưa hiểu chính xác về tình hình của Nhật Bản. Ngay cả bây giờ, không có tàu đường sắt cao tốc (Shinkansen) nào của Nhật chạy với tốc độ trên 350km/giờ và 581km/giờ cả.

Tốc độ cao nhất hiện nay trên tuyến đường mới phía Đông Bắc là 320km/giờ nhưng đa số các tuyến đường chạy với tốc độ trên dưới 250km/giờ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch: Đường sắt tốc độ cao 200km/giờ khả thi hơn 350km/giờ

Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT)  cho rằng, với tốc độ 200km/giờ, số vốn 26 tỷ USD sẽ khả thi hơn về nguồn vốn Nhà nước, trần nợ công so với đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam 350km/giờ với số vốn 58,71 tỷ USD như Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT khẳng định: Không có chuyện Bộ KH&ĐT đưa ra phương án cắt giảm tổng mức đầu tư dự án mà Bộ GTVT đề xuất mà đây là kịch bản khác nên công nghệ, và điều chỉnh vốn khác nhau.

Hiện khả năng tiếp cận công nghệ của Việt Nam sau 10 năm vẫn không khác trước đây. Việt Nam mới chủ động được xi măng, sắt đá sỏi và con người, còn lại chưa có gì nhiều hơn so với năm 2010.

Chính vì vậy, thời gian tới, Hội đồng thẩm định sẽ phải thuê tư vấn nước ngoài thẩm tra nên thời gian thẩm định sẽ phải kéo dài hơn. Dự kiến Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao vào kỳ họp tháng 5/2020.

Bộ Công Thương: Sẽ tăng nhập điện từ Trung Quốc vì giá cạnh tranh

Theo báo cáo của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), tới 47/62 dự án công suất lớn chậm tiến độ.

Do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ so với quy hoạch, đặc biệt các nguồn điện BOT nên hệ thống sẽ thiếu điện trong cả giai đoạn 2021-2025 (mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu).

Để giải quyết tình trạng thiếu điện, một trong các giải pháp được đưa ra đó là tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào.

Trong đó, với giải pháp tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc , có thể thực hiện ngay để tăng công suất và sản lượng điện từ năm 2021, giải quyết được một phần tình trạng thiếu điện trong thời gian tới.

Đồng thời theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, giá mua điện Trung Quốc cạnh tranh hơn so với khung giá mua điện từ Lào và thấp hơn mức giá trung bình của các nhà máy nhiệt điện than hiện nay (trên 7 cent/kWh).

Về việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 465/BC-BCT ngày 30 tháng 5 năm 2019 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ Trung Quốc giai đoạn 2021-2025.

Mai Chi (tổng hợp)