“Gã khổng lồ” đường sắt rơi vào tình cảnh “bi đát” nhất trong lịch sử
(Dân trí) - Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết: “Ngành đường sắt đang ở một trong 3 giai đoạn khó khăn nhất lịch sử, các chỉ tiêu về vận tải đều sụt giảm mạnh... Doanh thu toàn Tổng công ty trong năm 2019 chỉ đạt hơn 8.000 tỷ đồng”.
Năm 2019 sản lượng, doanh thu toàn VNR tuy duy trì được mức bằng so với cùng kỳ nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Tất cả các chỉ tiêu về sản lượng vận tải đều không đạt kế hoạch. Cụ thể, sản lượng đạt hơn 8.402 tỷ đồng, đạt 98,1% kế hoạch; doanh thu hơn 8.191 tỷ đồng, đạt 97,2% kế hoạch; thu nhập bình quân người lao động đường sắt là hơn 9,1 triệu đồng/người/tháng.
Trong đó, Công ty mẹ, doanh thu đạt 2.388 tỷ đồng, bằng 93,1% so với cùng kỳ, đạt 97,3% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế 13,9 tỷ đồng. Khối vận tải, doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt 4.273,3 tỷ đồng, bằng 98,7% cùng kỳ và 92,5% kế hoạch do các công ty vận tải xây dựng.
“Năm 2019 kết quả chưa đạt như kỳ vọng, thậm chí còn là một trong 3 giai đoạn khó khăn nhất lịch sử ngành đường sắt, trước đó tình trạng này là các năm 1979, 1984” - Chủ tịch VNR thẳng thắn thừa nhận.
Theo ông Vũ Anh Minh, nguyên nhân dẫn tới tình trạng nói trên là do đường sắt tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh ngày càng tăng với hàng không giá rẻ và đường bộ cao tốc về vận tải hành khách, với đường bộ và đường biển về vận tải hàng hóa.
“Sự ra đời của các hàng không giá rẻ với nhiều đường bay mới, cự ly ngắn và trung bình vốn là lợi thế của vận tải đường sắt đã tạo áp lực cạnh tranh rất lớn và làm giảm thị phần vận tải đường sắt. Về vận tải hàng hoá, đường sắt chịu áp lực cạnh tranh với đường biển và đường bộ, dẫn tới thị phần vận tải đường sắt liên tục giảm” - ông Minh lý giải.
Mặt khác, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2019 không được giao vì vướng cơ chế, vì vậy một số nút thắt về hạ tầng chưa được xử lý. Kết cấu hạ tầng trực tiếp và nhà ga đều của Nhà nước, nhưng không có cơ chế để doanh nghiệp tự đầu tư.
“Nhà nước không có vốn, nhưng doanh nghiệp có tiền cũng không thể bỏ ra để đầu tư. Đơn cử, ga Sông Lũy, chỉ cần hơn 30 tỷ để làm thêm đường sắt, kéo dài đường ga, sẽ tạo thuận lợi mỗi năm tăng được hai trăm tỷ doanh thu nhưng do vướng cơ chế nên không thể triển khai. Đây là nút thắt rất lớn” - ông Minh dẫn chứng.
Để tháo gỡ khó khăn, Chủ tịch VNR cho rằng cần có sự thay đổi tư duy và nhìn nhận của xã hội đối với lĩnh vực này, trước tiên là tư duy từ những người làm đường sắt. Luật Đường sắt 2017 đã khẳng định phương thức vận tải đường sắt là phương thức vận tải chủ đạo. Tuy vậy, cần có các cơ chế, chính sách từ Chính phủ, sự vào cuộc của các địa phương để thúc đẩy ngành đường sắt phát triển.
“Không thể một sớm một chiều thay đổi được cơ chế chính sách, thay đổi được tư duy, nhìn nhận của cả xã hội, nhưng đường sắt cần kiên trì, bền bỉ và nỗ lực hơn để thành công” - Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh nói.
Được biết, trong năm 2019 VNR đã ký kết hợp tác vận tải với các doanh nghiệp sản xuất lớn để vận chuyển hàng hóa. Với vận tải hành khách, bên cạnh nâng cao chất lượng toa xe, phục vụ, đã áp dụng nhiều hình thức bán vé mới như trực tuyến qua điện thoại, qua ứng dụng, xây dựng chính sách cho khách hàng thân thiết.
Châu Như Quỳnh