Sáp nhập 2 doanh nghiệp lớn nhất, “ông lớn” đường sắt gia tăng sự “độc quyền”?

(Dân trí) - Việc sáp nhập Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội làm dấy lên lo ngại tăng thêm “độc quyền” của ngành này, tuy nhiên Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định “sáp nhập để tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa 2 doanh nghiệp cùng Tổng công ty mẹ”.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2017-2020, trong đó VNR đề xuất sáp nhập Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội, hợp nhất 2 công ty trên thành một Công ty cổ phần Vận tải đường sắt. 

Theo đó, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt sẽ thực hiện việc phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa, thị trường vận tải hàng hóa do công ty con đảm nhận và thị trường vận tải hành khách do Công ty cổ phần Vận tải đường sắt đảm nhận. 

Sáp nhập 2 doanh nghiệp lớn nhất, “ông lớn” đường sắt gia tăng sự “độc quyền”? - 1

VNR đề xuất sáp nhập Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội

Việc sáp nhập Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội làm dấy lên lo ngại tăng thêm “độc quyền” của ngành này. Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch VNR - khẳng định: “Không có chuyện độc quyền, sáp nhập để tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa 2 doanh nghiệp trong cùng Tổng công ty mẹ, việc cạnh tranh nội bộ sẽ triệt tiêu năng lực của doanh nghiệp lớn, gây lãng phí chi phí”.

Theo Chủ tịch VNR, việc sát nhập nhằm mục đích chuyên môn hoá, tách bạch vận tải hàng hoá và vận tải hành khách, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia, đầu tư vào vận tải hàng hóa, hành khách để khai thác nguồn lực xã hội về tài chính, công nghệ, thị trường và đặc biệt là quản trị.

“Phương án này hạn chế tối đa cạnh tranh nội bộ, tập hợp nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh với các phương thức vận tải khác, hạ giá thành vận tải… tận dụng lợi thế vận tải, nghiên cứu cung cấp dịch vụ trọn gói, tạo thuận lợi cho khách hàng để tăng thị phần, tạo thêm việc làm, tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động” - ông Minh cho biết.

Về mặt cơ học, sau khi hợp nhất 2 doanh nghiệp lớn nhất ngành đường sắt thành 1 doanh nghiệp và được quyền tự bán tự thu, không cần phải cạnh tranh sẽ làm tăng thêm sự “độc quyền” của ngành đường sắt, nhưng Chủ tịch VNR nêu quan điểm cho rằng hiện nay đường sắt chiếm chưa tới 1% lưu lượng vận tải thì không thể gọi là độc quyền.

“Độc quyền là xuất hiện chỉ một nhà cung cấp, không có cạnh tranh, thị phần vận tải chiếm trên dưới 50%. Trong cơ cấu vận tải hiện nay, đường sắt đang phải cạnh tranh với nhiều loại hình như đường bộ, hàng không, hàng hải. Phải đặt trên tổng thể và các phương thức vận tải phải cạnh tranh với nhau để phát triển, vì thế không thể gọi việc sáp nhập 2 doanh nghiệp trong ngành đường sắt là độc quyền. Chúng tôi hợp nhất để tăng năng lực cạnh tranh với các loại hình khác” - ông Minh nhấn mạnh.

Chủ tịch VNR cũng thông tin, việc hợp nhất doanh nghiệp đã có hành lang pháp lý và được luật hóa tại Luật Doanh nghiệp nên có đủ cơ sở để tổ chức thực hiện, ít gây xáo trộn về tổ chức và nhân lực.

“Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì theo tiến độ Đề án đưa ra sẽ mất khoảng gần 200 ngày, hiện nay Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang lấy ý kiến các bộ, ngành. VNR mong muốn hoàn thành đề án này trong năm 2020” - ông Minh cho biết thêm. 

Châu Như Quỳnh