1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

FPT lập nhiều công ty con để làm gì?

Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư công nghệ (FPT) thời gian qua đã công bố thành lập một loạt các công ty mang tên FPT (công ty con của FPT). Thế nhưng đến nay, hầu hết các cổ đông hiện hữu không hề được biết trong số các doanh nghiệp mới mang tên FPT sự thực công ty mẹ góp bao nhiêu vốn, còn lại tư nhân góp bao nhiêu?

Tại sao mang tên FPT?

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, FPT mẹ chỉ được góp từ 15% - 35% tại các công ty con này (như: Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư FPT, Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS), Ngân hàng Thương mại Cổ phần FPT...). Điều đó có nghĩa là từ 85% - 65% vốn điều lệ trong các công ty con mang tên FPT chỉ do một nhóm cổ đông thiểu số, một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt... của FPT đưa vào.

Khi công ty mẹ được góp vốn thấp như vậy liệu các công ty con của FPT mang tên mẹ có hợp lệ hay không?

Trong khi chỉ góp vốn với tỉ lệ thấp, quyền lợi cũng hưởng với tỉ lệ thấp tương ứng, nhưng bộ máy nhân sự ban đầu của các công ty con lại do hầu hết các CB-CNV của FPT mẹ kiêm nhiệm hoặc được chuyển sang.

Như vậy, FPT mẹ đã giúp tạo dựng khung ban đầu cho các công ty con mang tên FPT. Nếu không có bộ máy của FPT mẹ thì làm sao nhanh chóng có các công ty con này?

Núp thương hiệu để kiếm siêu lợi nhuận?

Thương hiệu FPT đã nổi tiếng trong nước và quốc tế từ trước tới nay. Thương hiệu này do toàn thể CB-CNV FPT mẹ tạo dựng và nó thuộc sở hữu của toàn thể cổ đông. Nhưng những cổ đông sáng lập các công ty mới đã núp bóng FPT mẹ để mưu lợi phần nhiều cho họ.

Chẳng hạn, Công ty FPTS có vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 200 tỉ đồng, trong đó FPT mẹ chỉ chiếm 15%, tức tương đương 30 tỉ đồng. Mặc dù chưa đi vào hoạt động, nhưng hiện nay cổ phiếu FPTS được rao bán trên thị trường OTC (thị trường tự do) cao gấp 8,5 lần giá gốc.

Cùng trong thời điểm này có hàng loạt công ty chứng khoán khác ra đời, nhưng chưa thấy đơn vị nào có giá cổ phiếu lên siêu cao, siêu nhanh như FPTS.

Như vậy, phải chăng khoản giá trị gia tăng siêu ngạch đó chủ yếu nhờ thương hiệu FPT mẹ mang lại?

Với mức giá thị trường cao 8,5 lần thì giá trị vốn hóa của FPTS lên đến 1.700 tỉ đồng. Trong khoản chênh lệch 1.500 tỉ đồng đó (đã trừ vốn điều lệ), phải chăng FPT mẹ chỉ được hưởng 15%, còn lại 85% là của những cổ đông khác trong FPTS?

Nếu là như vậy, FPT mẹ chỉ là cái bóng cho một nhóm cổ đông lợi dụng để tạo ra siêu lợi nhuận phần nhiều cho họ.

Cổ đông nhỏ bị thiệt hại

Trong số vốn điều lệ thực góp vào những công ty con của FPT, các cổ đông nhỏ, lẻ chỉ được hưởng một chút trong phần vốn của công ty mẹ. Công ty mẹ FPT thuộc sở hữu của tất cả các cổ đông nên khi thương hiệu này bị lợi dụng, tất nhiên những cổ đông nhỏ bị thiệt hại trước.

Nhiều cổ đông đặt câu hỏi: Tại sao FPT lại không lập các công ty TNHH? Nếu lập công ty cổ phần thì sao lại không nắm cổ phần chi phối?

Phản ứng động thái núp bóng này, trong những ngày qua, nhiều cổ đông đã bán tháo cổ phiếu làm cho giá FPT trên thị trường giảm mạnh, tạo hiệu ứng dây chuyền kéo thị trường chứng khoán xuống theo.

Theo Trần Phú Minh
Báo Người lao động