1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

FLC bị phạt hơn 12,6 triệu đồng

Mai Chi

(Dân trí) - Sau khi nhận được hàng chục "trát" đòi nợ thuế, phong tỏa tài khoản tại một loạt ngân hàng thì FLC tiếp tục bị ngừng sử dụng hóa đơn để cưỡng chế hơn 820 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) công bố thông tin về việc ngày 29/7 nhận được quyết định xử phạt hành chính từ Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp.

Trong quyết định trên, cơ quan thuế Đồng Tháp cho hay FLC bị xử phạt vì nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng quá thời hạn từ 1 ngày đến 30 ngày, từ 31 ngày đến 60 ngày, từ 61 ngày đến 90 ngày và từ 90 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp. Do vi phạm hành chính nhiều lần nên bị tính vào tình tiết tăng nặng.

FLC bị phạt hơn 12,6 triệu đồng  - 1

FLC liên tục bị cơ quan thuế đòi nợ và xử phạt (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

FLC bị phạt hành chính 12,65 triệu đồng, trong đó phạt về hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày số tiền 11,5 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 125 năm 2020 của Chính phủ. Tình tiết tăng nặng 10% mức tiền phạt, tương ứng 1,15 triệu đồng.

Trong vòng 10 ngày nhận được quyết định của Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp, FLC được yêu cầu nghiêm chỉnh chấp hành, nếu quá thời hạn mà tập đoàn không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Đáng chú ý, mới cách đây ít ngày, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC cho biết đã nhận được thông báo và quyết định của Cục Thuế thành phố Hà Nội cùng đề ngày 16/7 về việc ngừng sử dụng hóa đơn.

Quyết định của Cục Thuế TP Hà Nội nêu rõ việc áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Tập đoàn FLC với số tiền lên tới 821,75 tỷ đồng. Nguyên nhân cưỡng chế theo cơ quan thuế cho biết đến từ thực trạng FLC có số tiền quá hạn nộp và buộc phải cưỡng chế theo quy định tại Luật quản lý.

Biện pháp cưỡng chế này là để thi hành thông báo tiền thuế nợ ngày 11/7 của Cục thuế TP Hà Nội, thông báo tiền thuế nợ ngày 12/6 của Chi cục thuế TP Hạ Long, thông báo tiền thuế nợ ngày 10/7 của Chi cục thuế Khu vực TP Sầm Sơn - Quảng Xương và thông báo tiền thuế nợ ngày 8/7 của Cục thuế tỉnh Quảng Bình.

Quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Tập đoàn FLC có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày 16/7 đến ngày 15/7/2025.

Trước đó, vào cuối tháng 6, FLC từng nhận liên tục 28 quyết định về việc cưỡng chế thuế thông qua phong tỏa và trích lập từ tài khoản mở ở các ngân hàng, tổng số tiền gần 334 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 27/6, FLC nhận 8 quyết định của Chi cục Thuế khu vực TP Sầm Sơn - Quảng Xương (Thanh Hóa) cưỡng chế số tiền 238,65 tỷ đồng. Trong đó, tiền sử dụng đất là 191,58 tỷ đồng; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tổng cộng hơn 2 tỷ đồng, tiền chậm nộp xấp xỉ 45 tỷ đồng.

Chỉ một ngày sau đó, FLC tiếp tục nhận được thêm 20 quyết định từ Cục Thuế thành phố Hà Nội đề ngày 24/6 cũng với nội dung cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản với tổng số tiền 95,31 tỷ đồng bao gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp phạt.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm