FDI toàn cầu năm 2011 dự kiến đạt 1.300 tỷ USD

M&A xuyên biên giới năm 2011 dự báo tăng khoảng 20% dẫn đến FDI toàn cầu tăng khoảng 16%, đạt 1.300 tỷ USD, tương đương 2% GDP toàn cầu.

Nhận định trên dựa trên cơ sở tổng hợp các yếu tố như sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, lãi suất thấp, các tập đoàn đa quốc gia tập trung vào việc mở rộng và các thị trường đang nổi tiếp tục vững mạnh.

Báo cáo của Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) nêu rõ cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008-2009 có tác động mạnh mẽ lên dòng vốn FDI. Sau khi giảm 16,5%, xuống còn 1.770 tỷ USD trong năm 2008, FDI toàn cầu tiếp tục giảm 40% xuống còn 1.060 tỷ USD trong năm 2009.

Sự giảm sút này phản ánh tình trạng suy giảm tín dụng sẵn có, suy thoái sâu sắc ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển và tình trạng thoái lui trước rủi ro.

Sự thiếu tin tưởng và cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu đã có ảnh hưởng xấu đến các dòng vốn FDI của các nước phát triển trong năm 2010. Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) toàn cầu, một hoạt động có quan hệ chặt chẽ với dòng FDI, cũng có xu hướng giảm trong nửa đầu năm trước khi có sự phục hồi trong nửa cuối năm.

EIU ước tính dòng FDI toàn cầu trong năm 2010 tính theo USD chỉ tăng khoảng 4% so với năm 2009, trong đó dòng vốn chảy vào các thị trường đang nổi tăng khoảng 14%, nhưng dòng vốn vào các nước phát triển lại giảm 7%.

EIU dự báo sự phục hồi của dòng FDI toàn cầu trong năm 2011 sẽ mạnh hơn. Tận dụng mối quan hệ chặt chẽ giữa M&A xuyên biên giới và FDI toàn cầu, dự báo M&A xuyên biên giới trong năm 2011 sẽ tăng khoảng 20% dẫn đến FDI toàn cầu tăng khoảng 16%, đạt 1.300 tỷ USD, tương đương khoảng 2% GDP toàn cầu.

Có nhiều yếu tố tích cực đối với FDI. Lãi suất vẫn ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế của các thị trường đang nổi vẫn tốt. Giá nguyên liệu tương đối cao sẽ củng cố dòng FDI chảy vào các thị trường đang nổi. Các tập đoàn đa quốc gia có dự trữ tiền mặt lớn và động cơ tăng doanh thu thông qua hoạt động mua bán doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố rủi ro lớn tác động đến triển vọng trên. Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu phủ bóng đen lên sự phục hồi toàn cầu. Các công ty lo ngại về tính không ổn định của sự phục hồi khi lực đẩy của chu kỳ tích hàng mất đi và chính sách tài chính bị thắt chặt.

Sự không ổn định này trầm trọng thêm bởi các yếu tố rủi ro như những căng thẳng tiền tệ quốc tế hay sự leo thang của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, có thể sẽ tác động nghiêm trọng đến FDI.

Theo TTXVN/Vietnam+