1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"FDI lạc hậu, vốn thấp từ Trung Quốc không đáng để chúng ta quan tâm"

(Dân trí) - Hầu hết doanh nghiệp Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp và dễ kèm theo các nguy cơ như ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên. Do đó, theo Bộ Công Thương, các dự án FDI có công nghệ lạc hậu và vốn thấp từ Trung Quốc không phải là điều mà chúng ta cần quan tâm!

Trung Quốc đang xuất khẩu trì trệ và mô hình phát triển lạc hậu ra thế giới
Trung Quốc đang xuất khẩu trì trệ và mô hình phát triển lạc hậu ra thế giới

Tâm điểm lây lan sự trì trệ ra toàn cầu

Theo đánh giá của Bộ Công Thương tại một báo cáo về thương mại biên giới mới đây, Trung Quốc đang là tâm điểm lây lan sự trì trệ ra toàn cầu và Việt Nam với mức độ chịu ảnh hưởng tương đối lớn từ kinh tế Trung Quốc cũng không là ngoại lệ, thậm chí có thể phải hứng chịu một tác động ở quy mô lớn hơn nhiều.

Có một thực tế là Trung Quốc đang xuất khẩu và làm lây lan sự trì trệ của mình ra bên ngoài như một cách để giảm áp lực cho nền kinh tế trong nước thông qua việc bán tháo các sản phẩm dư cung do dư thừa công suất sản xuất ở trong nước.

Bằng cách hạ giá sản phẩm trong hàng loạt lĩnh vực và thâm nhập vào thị trường các nước trên thế giới, từ Mỹ và EU cho đến Ấn Độ và Việt Nam, Trung Quốc đang gián tiếp đẩy hàng loạt các ngành sản xuất tại nhiều quốc gia vốn cũng đang trong tình trạng dư cung đến chỗ phá sản do không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc vốn đã rẻ nay lại càng rẻ hơn do đã được Chính phủ Trung Quốc áp dụng một loạt chính sách hỗ trợ như miễn giảm thuế hay bằng cách hạ tỷ giá nội tệ.

Việt Nam là một thị trường nhập khẩu lớn của hàng hóa Trung Quốc, tổng cộng lên đến 49,3 tỷ USD trong năm 2015 (đạt mức nhập siêu 32 tỷ USD từ Trung Quốc), chiếm tới gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam năm 2015. Điều này khiến cho hàng hóa Trung Quốc do dư cung và giá rẻ đang có xu hướng tràn vào thị trường Việt Nam nhiều hơn, nhất là khi giữa hai nước có đường biên giới dài tới hơn 1.000 km.

Điển hình là trong ngành thép, lĩnh vực sản xuất mà Trung Quốc đang dư thừa nhiều nhất. Trong vòng 10 năm từ 2004-2014, sản lượng thép của Trung Quốc đã tăng khoảng 91% và giờ đây đang có mức dư thừa lớn nhất trong toàn bộ các lĩnh vực sản xuất. Bằng cách áp dụng một loạt các chính sách trợ giá đặc biệt, Chính phủ Trung Quốc đang khiến giá thép của nước này rẻ hơn và tự do tràn vào thị trường các quốc gia khác.

Tại Việt Nam, tổng cộng đã có khoảng 8,4 triệu tấn thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam trong cả năm 2015, trị giá khoảng 3,7 tỷ USD, tăng 57% so với năm 2014. Thép giá rẻ Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tràn vào thị trường Việt Nam các tháng đầu năm 2016 và gây áp lực rất mạnh lên ngành sản xuất thép trong nước, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đề nghị Chính phủ áp thuế nhập khẩu đặc biệt với thép từ Trung Quốc.

Vốn FDI từ Trung Quốc tăng vọt

Bộ Công Thương cũng chỉ ra tình trạng Trung Quốc đang cố gắng xuất khẩu mô hình phát triển lạc hậu của mình thông qua công nghệ sang các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

"Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để đối phó với sự giảm tổng cầu của thị trường trong nước do giảm tốc kinh tế, Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư thu hút nhất được xem là sẽ bị tác động từ xu hướng này" - báo cáo của Bộ Công Thương cho hay.

FDI từ Trung Quốc thường có công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động và tài nguyên
FDI từ Trung Quốc thường có công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động và tài nguyên

Theo thống kê, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng vọt trong thời gian vừa qua. Cụ thể, nếu như năm 2012, lượng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam mới đạt 312 triệu USD thì năm 2013 đã tăng đột biến lên mức 2,3 tỷ USD; sang năm 2014 tăng lên thành 7,9 tỷ USD và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015 đã tăng lên thành 8,13 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng vọt trong thời gian qua có thể đem lại những hệ quả nghiêm trọng nếu không được kiểm soát.

"Hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc không có công nghệ cao như các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc hay EU, đa phần tập trung vào các lĩnh vực thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp và dễ kèm theo các nguy cơ như ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên" - Bộ Công Thương nhận định. Khoảng 70% các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là tập trung vào các lĩnh vực khai khoáng tài nguyên như dầu mỏ, sắt thép, xi măng, bauxite.

Bộ Công Thương lo ngại, hai tác động chủ đạo từ sự giảm tốc và lây lan trì trệ của kinh tế Trung Quốc có thể trở thành một lực cản lớn có thể ngăn cản và kéo chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2016 mà không thể xem thường.

Để đối phó với hai tác động này, báo cáo khuyến nghị, Việt Nam cần một kế hoạch tổng hợp ngăn chặn tình trạng hàng hóa dư thừa giá rẻ của Trung Quốc tràn sang với quy mô lớn có thể đè bẹp và gây nguy hiểm với các ngành sản xuất trong nước, không chỉ trong ngành thép. Nếu tiếp tục để hàng hóa dư thừa của Trung Quốc tràn vào như hiện nay có thể khiến một loạt các lĩnh vực sản xuất chủ đạo của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, gây ra hậu quả nghiêm trọng với nền kinh tế.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần một chiến lược và quy hoạch tổng thể đối với các dự án FDI, đặc biệt là đến từ Trung Quốc, khi Việt Nam đang được xem là một trong những điểm đầu tư tiềm năng nhất thế giới trong năm 2016.

"Trong bối cảnh Việt Nam đã có vị thế để lựa chọn và sàng lọc các dự án FDI đủ tiêu chuẩn về công nghệ, vốn, quản lý khi mà các doanh nghiêp FDI trên khắp thế giới đang đổ bộ vào Việt Nam thì rõ ràng, các dự án FDI có công nghệ lạc hậu và vốn thấp từ Trung Quốc không phải là điều mà chúng ta cần quan tâm!" - Bộ Công Thương nhìn nhận.

Bích Diệp

"FDI lạc hậu, vốn thấp từ Trung Quốc không đáng để chúng ta quan tâm" - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm