1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

FAO cảnh báo gì về nguy cơ mất an ninh lương thực do xung đột ở Ukraine?

Nhật Linh

(Dân trí) - "Đáng lo ngại là thiếu hụt nguồn cung toàn cầu có thể đẩy giá lương thực và thực phẩm tiếp tục tăng lên từ 8% đến 22% so với các mức tăng vừa qua", báo cáo của FAO cho biết.

FAO cảnh báo gì về nguy cơ mất an ninh lương thực do xung đột ở Ukraine? - 1

Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã đẩy giá lương thực tăng vọt ở nhiều nơi trên thế giới (Ảnh: Reuters).

Cơ quan lương thực của Liên Hợp Quốc vừa đưa ra cảnh báo, các nước nghèo phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lúa mì ở Bắc Phi, châu Á và Trung Đông có nguy cơ mất an ninh lương thực do cuộc chiến ở Ukraine.

Ukraine và Nga là hai nước xuất khẩu ngũ cốc lớn của thế giới, chiếm 1/3 lượng xuất khẩu toàn cầu. Vì vậy, cuộc xung đột đã đẩy giá lương thực tăng vọt ở nhiều nơi trên thế giới.

Với diễn biến không chắc chắn về cường độ và thời gian của cuộc chiến, "khả năng gián đoạn hoạt động nông nghiệp tại hai nhà xuất khẩu hàng hóa thiết yếu này có thể khiến tình trạng mất an ninh lương thực leo thang trầm trọng trên toàn cầu khi giá lương thực và đầu vào đã tăng cao và dễ bị tổn thương", ông Qu Dongyu, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO) nói.

Cơ quan của Liên Hợp Quốc cũng lưu ý rằng Nga là nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới và một thành phần phân bón quan trọng là ure đã tăng giá hơn gấp 3 lần trong 12 tháng qua.

Tuy nhiên, theo ông Qu, điều đáng ngại là sự không chắc chắn về việc liệu nông dân Ukraine có thu hoạch được lúa mì vào tháng 6 này hay không. Ở Ukraine, chiến dịch sơ tán dân ồ ạt đã làm giảm số lượng lao động nông nghiệp và công nhân. Vì vậy, việc tiếp cận các cánh đồng nông sản sẽ rất khó khăn", ông nói.

Ngay cả khi họ có thể thu hoạch được thì các cảng của Ukraine trên Biển Đen cũng đã bị đóng. Trong tuần này, chính phủ nước này cũng đã ra lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, yến mạch, kê, kiều mạch và một số sản phẩm khác nhằm ngăn chặn khủng hoảng lương thực trong nước và ổn định thị trường.

Lệnh cấm xuất khẩu của Ukraine không áp dụng đối với các nguồn cung cấp chính trên toàn cầu của nước này là ngô và dầu hướng dương. Ukraine và Nga cùng chiếm khoảng 52% thị trường xuất khẩu dầu hướng dương trên thế giới. Họ cũng chiếm khoảng 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô.

"Vẫn chưa rõ liệu các nhà xuất khẩu khác có khả năng lấp đầy được khoảng trống này hay không", ông Qu nói đồng thời cảnh báo tồn kho lúa mì của Canada đang ở mức thấp.

Theo ông, Mỹ, Argentina và các quốc gia sản xuất lúa mì khác có khả năng sẽ hạn chế xuất khẩu khi các chính phủ tìm cách đảm bảo nguồn cung trong nước.

Trong khi đó, các quốc gia phụ thuộc vào lúa mì từ Nga và Ukraine có khả năng tăng mức nhập khẩu. Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh và Iran đang mua 60% lúa mì từ Nga và Ukraine. Lebanon, Tunisia, Yemen, Libya và Pakistan cũng là những nước phụ thuộc nhiều vào lúa mì của 2 nước này.

"Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và vận chuyển đối với các sản phẩm ngũ cốc và dầu hạt của Nga và Ukraine cũng như các hạn chế xuất khẩu của Nga sẽ gây ra những hậu quả đáng kể đối với an ninh lương thực", ông Qu nói.

Tổ chức FAO cảnh báo nếu cuộc xung đột gây ra sự sụt giảm đột ngột và kéo dài trong hoạt động xuất khẩu lương thực của Ukraine và Nga thì nó sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá hàng hóa quốc tế, "gây bất lợi cho các nước dễ bị tổn thương về kinh tế".

FAO cho biết các nguồn cung khác chỉ có thể bù đắp một phần sự thiếu hụt trong xuất khẩu ngũ cốc và hạt hướng dương của Ukraine và Nga.

"Đáng lo ngại là thiếu hụt nguồn cung toàn cầu có thể đẩy giá lương thực và thực phẩm tiếp tục tăng lên từ 8% đến 22% so với các mức tăng vừa qua", báo cáo của FAO cho biết.

Theo số liệu của FAO, giá lương thực đã đạt mức cao nhất mọi thời đại trong tháng 2. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực toàn cầu. Trong năm 2021, giá lúa mì và lúa mạch đã tăng 31%, giá dầu hạt cải và dầu hướng dương cũng tăng vọt hơn 60%. Trong khi giá lúa mì tăng hơn 50% so với một tuần trước khi cuộc chiến nổ ra.

Một số người tiêu dùng đã bắt đầu cảm nhận được tác động của việc giảm xuất khẩu cũng như giá cả leo thang. Truyền hình nhà nước Italy đưa tin, các siêu thị ở Tuscany và Sardinia đang phải giới hạn mỗi khách chỉ mua 2 thùng dầu hạt hướng dương. Các siêu thị ở Tây Ban Nha cũng đang thực hiện động thái tương tự.

Theo AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm