1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

F88 báo lãi kỷ lục

Phương Liên

(Dân trí) - Trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 mới công bố, F88 cho biết lãi gấp 4 lần năm 2021.

Cụ thể, Công ty cổ phần Kinh doanh F88 công bố tình hình tài chính năm 2022 đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Chuỗi cầm đồ này báo lãi kỷ lục 211 tỷ đồng, cũng là mức lãi cao nhất từ trước đến nay.

F88 công bố lợi nhuận sau thuế đạt mức kỷ lục lên đến 212 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần so số lãi của năm 2021, cũng là mức lãi cao nhất của F88 kể từ khi hoạt động.

Tính đến cuối năm 2022, doanh nghiệp này có hơn 800 cửa hàng trên toàn quốc. Như vậy tính trung bình, mỗi cửa hàng F88 sẽ lãi khoảng 264 triệu đồng.

Ngoài ra, chỉ sau một năm, vốn chủ sỡ hữu cũng tăng gấp đôi, từ 485 tỷ đồng lên 853 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng đáng kể so với năm 2021, từ 11,1% lên 31,6%.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 3,6 lên 4,2 lần. Ngược lại, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu giảm từ 3,6 năm trước xuống 1,7 tương ứng mức dư nợ là 1.450 tỷ đồng.

F88 là doanh nghiệp liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu. Theo thống kê trên HNX, từ tháng 4/2021 đến tháng 10/2022, công ty này huy động thành công 20 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 2.360 tỷ đồng. Và hiện dư nợ trái phiếu của F88 còn khoảng 770 tỷ đồng, đều đáo hạn từ tháng 5 đến tháng 9 năm nay. Các lô trái phiếu này có lãi suất dao động 10-11,5%/năm.

Ngoài việc huy động vốn từ kênh trái phiếu, doanh nghiệp này còn tích cực gọi vốn từ các quỹ đầu tư. Mới đây nhất, đầu tháng 2, F88 thông báo huy động thành công khoản đầu tư gần 50 triệu USD (khoảng 1.185 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Series C từ Quỹ Việt Nam - Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV), trong đó. VOI góp tới 30 triệu USD.

Trước đó, năm 2017-2018, F88 thành công vòng gọi vốn đầu tiên (serie A) từ quỹ Mekong Enterprise Fund III và vòng tiếp theo (serie B) từ quỹ Granite Oak. Trong năm 2022, F88 cũng huy động được 70 triệu USD từ các quỹ ngoại CLSA Capital Partners, Limited (Lending Ark) (Hồng Kông) và Lendable (Anh).

Thời gian qua, nhiều điểm kinh doanh của F88 tại khu vực phía nam bị kiểm tra. Tại hội nghị diễn ra ở Tiền Giang ngày 30/3, Đại tá Mai Hoàng - Phó giám đốc Công an TPHCM - cho biết, thời gian qua đơn vị đã triệt xóa 6 băng nhóm cưỡng đoạt tài sản trong đó có Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh F88, 64 bị can bị khởi tố. Riêng đối với chi nhánh TPHCM của F88, cơ quan điều tra kiểm tra, phát hiện 79 địa điểm kinh doanh (cửa hàng) có sai phạm, khởi tố 10 bị can là trưởng nhóm, nhân viên.

Phía F88 sau đó lên tiếng cho biết đang làm rõ xem sai phạm của nhân viên với khách hàng nào, từ đó có phương án đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay việc kiểm tra, rà soát hoạt động tín dụng diễn ra trên diện rộng, từ các công ty tài chính lớn cho đến cho đến các mô hình kinh doanh mới như F88, cửa hàng cầm đồ truyền thống, nhỏ lẻ là điều cần thiết trong quá trình điều tiết sự phát triển "nóng" của thị trường tài chính tín dụng, đặc biệt nhóm dưới chuẩn ngân hàng. Điều này giúp cho thị trường ngày càng minh bạch và lành mạnh hơn.