EVN Hà Nội đổi lịch chốt số công tơ điện, người dùng có chịu thiệt?
(Dân trí) - Theo EVN Hà Nội, sự thay đổi về sản lượng tiêu thụ điện theo bậc sẽ dựa trên số ngày sử dụng điện tăng thêm, và chi phí tiền điện thực tế mà người dân thanh toán sẽ không thay đổi.
Sau bài viết "Sắp có thay đổi rất lớn trong cách tính hóa đơn tiền điện ở Hà Nội" đăng trên Dân trí ngày 10/10, không ít độc giả đặt câu hỏi về cách tính giá điện nếu thay đổi lịch chốt số công tơ điện vào ngày cuối tháng 11.
Theo thông tin Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) phát đi, bắt đầu từ ngày 30/11, đơn vị điện lực sẽ thực hiện thay đổi lịch chốt số điện vào ngày cuối tháng tại 21 quận, huyện trên địa bàn. Điều này đồng nghĩa số ngày sử dụng điện của người dân trong tháng 10, thay vì 31 ngày như mọi khi, sẽ thành tối thiểu 41 ngày đến tối đa 58 ngày sử dụng điện, tức tăng thêm 11-28 ngày.
"Khi tăng thời gian lấy số công tơ, sẽ kéo theo số điện tính theo bậc giá cao sẽ tăng lên. Thời gian nữa, điện lực tăng lên 2 tháng lấy số điện, như vậy việc tính bậc giá cao của số điện sẽ tăng", tài khoản Thanh Nguyen van bình luận.
"Chỗ tôi đang chốt công tơ vào ngày 12 hàng tháng. Tôi nghĩ sao EVN Hà Nội không chốt tiếp từ ngày 13 đến ngày cuối tháng? Nếu cộng dồn vào một đợt chốt thì số tiền điện dân phải trả tăng rất nhiều do tính theo bậc thang", người dùng Doãn Nguyện Trần cùng quan điểm.
"Tại sao không tính theo ngày cũ, sau đó đến 30/11 tiếp tục ghi thêm lần nữa để người dân đỡ thiệt thòi. Vì kéo dài thời gian ghi số điện thì người dân đang từ bậc thang thấp chuyển thành bậc thang cao", độc giả Tuan Anh Nguyen đặt vấn đề.
Độc giả này lấy ví dụ một hộ gia đình dùng hết 300 số điện hàng tháng, khi đó đơn giá điện tối đa được tính theo bậc 4, tức 2.612 đồng/kWh. Tuy nhiên, nếu vượt thêm 20 ngày nữa, sản lượng tiêu thụ điện của hộ gia đình này có thể lên đến 500 số. Lúc này, đơn giá điện tối đa có thể được áp dụng đối với bậc 6, tức 3.015 đồng/kWh.
Tài khoản Tuan Anh Nguyen tiếp tục đề xuất tính 200 số điện phát sinh riêng, để đơn giá áp dụng cho người dân chỉ dao động 1.728-2.074 đồng/kWh.
Về vấn đề này, tại buổi thông tin báo chí về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2023, bà Tô Lan Phương, Trưởng phòng Kinh doanh EVN Hà Nội, cho biết, cách tính tiền điện tháng 11 vẫn dựa trên nguyên tắc bậc thang, tuy nhiên sẽ có sự thay đổi về số kWh tiêu thụ trong từng bậc sao cho phù hợp.
Sự thay đổi dựa trên số ngày sử dụng điện tăng thêm, và chi phí tiền điện thực tế mà người dân thanh toán sẽ không thay đổi. Đơn vị điện lực cũng đã xây dựng bộ công cụ để tính toán sản lượng điện sử dụng ở từng bậc thang, người tiêu dùng có thể kiểm tra trên website, ứng dụng của EVN Hà Nội.
Trở lại với giả thiết của độc giả Tuan Anh Nguyen, một gia đình tiêu thụ 500 kWh trong khoảng thời gian từ ngày 11/10 đến ngày 30/11, tăng thêm 20 ngày sử dụng điện, tức tăng thêm 66%. Tỷ lệ tương ứng sẽ được cộng vào số kWh tiêu thụ của từng bậc.
Theo công cụ tính hóa đơn tiền điện của EVN Hà Nội, bậc 1 cho kWh 0-50 với đơn giá 1.728 đồng/kWh lúc này sẽ được điều chỉnh cho kWh 0-82; bậc 2 cho kWh 51-100 với đơn giá 1.786 đồng/kWh sẽ được điều chỉnh cho kWh 83-164; bậc 3 cho kWh 101-200 với đơn giá 2.074 đồng/kWh sẽ được điều chỉnh cho kWh 165-329; bậc 4 cho kWh 201-300 với đơn giá 2.612 đồng/kWh sẽ được điều chỉnh cho kWh 330-494; bậc 5 cho kWh 301-400 với đơn giá 2.919 đồng/kWh sẽ được điều chỉnh cho từ kWh 495.
Như vậy, hóa đơn tiền điện của gia đình trên sẽ được áp dụng lên đến 5 bậc, với chỉ 6 kWh thuộc bậc 5. Tổng cộng tiền phải thanh toán (bao gồm thuế giá trị gia tăng 8%) là 1.165.160 đồng.
Theo EVN Hà Nội, đơn vị này sẽ thực hiện thay đổi lịch chốt số điện vào ngày cuối tháng tại 21 quận, huyện trên địa bàn trong năm 2023; trong năm 2024 sẽ thay đổi ở 9 công ty điện lực còn lại.