Sắp có thay đổi rất lớn trong cách tính hóa đơn tiền điện ở Hà Nội

Văn Hưng

(Dân trí) - Từ ngày 30/11, EVN Hà Nội sẽ thay đổi lịch chốt số công tơ điện về ngày cuối tháng tại 21 quận, huyện. Trong tháng đầu, thời gian sử dụng điện trong tháng của người dân tạm tăng thêm 11-28 ngày.

Tại buổi thông tin báo chí về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2023, bà Tô Lan Phương, Trưởng phòng Kinh doanh Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội), cho biết thời gian tới, EVN Hà Nội sẽ thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ về ngày cuối cùng của tháng.

Theo bà Phương, đến nay, toàn bộ khách hàng sử dụng điện tại Hà Nội đã được lắp đặt công tơ điện tử có tính năng thu thập dữ liệu từ xa. Đây là yếu tố quan trọng để đơn vị điện lực triển khai lộ trình ghi chỉ số tiêu thụ điện năng của 2,8 triệu khách hàng về cùng một ngày. Khách hàng cũng sẽ thuận tiện trong việc giám sát và theo dõi lịch ghi chỉ số công tơ điện hàng tháng.

Hiện tại, lịch ghi chỉ số công tơ điện trải dài từ ngày 3 đến ngày 20 hàng tháng. Bắt đầu từ ngày 30/11, EVN Hà Nội sẽ thực hiện thay đổi lịch chốt số điện vào ngày cuối tháng tại 21 quận, huyện trên địa bàn; trong năm 2024 sẽ thay đổi ở 9 công ty điện lực còn lại.

Như vậy, trong tháng 11, hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình trong danh sách thay đổi chắc chắn tăng lên. Ví dụ, công tơ điện của một khách hàng thông thường được tính từ ngày 10/10 đến ngày 10/11, sau thay đổi, đơn vị điện lực sẽ chốt số từ ngày 10/10 đến ngày 30/11, tức tăng thêm 20 ngày sử dụng điện.

Sắp có thay đổi rất lớn trong cách tính hóa đơn tiền điện ở Hà Nội - 1

EVN Hà Nội cho biết sẽ cập nhật thông tin đến người dân thông qua nhiều kênh như tin nhắn, Zalo, phát loa… (Ảnh: Nguyễn Hải).

Số ngày sử dụng điện trong tháng 10, thay vì 31 ngày như mọi khi, sẽ thành tối thiểu 41 ngày đến tối đa 58 ngày sử dụng điện, tức tăng thêm 11-28 ngày. Điều này cũng đồng nghĩa, khách hàng sử dụng điện sẽ được lùi thời gian thanh toán hóa đơn tiền điện đến sau ngày 30/11.

Đại diện EVN Hà Nội khẳng định cách tính tiền điện vẫn dựa trên nguyên tắc bậc thang, tuy nhiên sẽ có sự thay đổi về số kWh tiêu thụ trong từng bậc sao cho phù hợp. Sự thay đổi này dựa trên số ngày sử dụng điện tăng thêm.

Cũng tại buổi họp, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết chủ trương chuyển lịch ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng là mong muốn từ lâu, tuy nhiên, hạ tầng và nguồn lực chưa đảm bảo nên chưa thực hiện được.

Việc thay đổi khoảng thời gian chốt số công tơ điện sẽ giúp cơ quan quản lý dễ theo dõi, thống nhất số liệu để báo cáo, hạn chế các sai sót liên quan. Hiện nay, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện trên địa bàn để đồng bộ triển khai.

Trước đó, ngày 4/5, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định quy định về giá bán điện, trong đó có biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới. Biểu giá này được đưa ra trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân mới được điều chỉnh tăng cùng ngày, theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Bậc 1 cho kWh 0-50 là 1.728 đồng/kWh (biểu giá cũ là 1.678 đồng/kWh). Bậc 2 cho kWh 51-100 là 1.786 đồng/kWh (biểu giá cũ là 1.734 đồng/kWh). Bậc 3 cho kWh 101-200 là 2.074 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.014 đồng/kWh). Bậc 4 cho kWh 201-300 là 2.612 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.536 đồng/kWh). Bậc 5 cho kWh 301-400 đồng/kWh là 2.919 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.834 đồng/kWh). Bậc 6 cho kWh 401 trở lên là 3.015 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.927 đồng/kWh)