ECB tung 1,3 nghìn tỷ USD chống giảm phát

Nền kinh tế Eurozone gần như trì trệ và sự xuất hiện của giảm phát đã buộc ECB phải đi đến một gói QE với quy mô khổng lồ...

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi - Ảnh: Bloomberg.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi - Ảnh: Bloomberg.
 
Theo tin từ Bloomberg, trong cuộc họp chính sách kết thúc vào tối qua (23/1) theo giờ Việt Nam, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã mở ra một kỷ nguyên mới cho ECB khi công bố một chương trình nới lỏng định lượng (QE) trị giá ít nhất 1,1 nghìn tỷ Euro (tương đương 1,3 tỷ USD) để chống vòng xoáy giảm phát.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:  
 
Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của giới chức Đức, ông Draghi quyết định mỗi tháng ECB sẽ chi 60 tỷ Euro trong thời gian từ nay tới tháng 9/2015 để mua vào trái phiếu. Kế hoạch này sẽ bơm một lượng tiền lớn vào hệ thống tài chính của châu Âu nhằm mục đích kéo lạm phát trở lại, đảo ngược tình trạng giá cả suy giảm gây nguy hiểm cho tăng trưởng kinh tế như hiện nay.

Để trấn an những người phản đối, ECB quyết định, 19 ngân hàng trung ương của các nước trong khối sử dụng đồng tiền chung Eurozone sẽ chỉ phải gánh vác rủi ro thiệt hại đối với 80% số trái phiếu được mua.

Nền kinh tế Eurozone gần như trì trệ và sự xuất hiện của giảm phát đã buộc ông Draghi phải đi đến một gói QE với quy mô khổng lồ tương tự như những gì mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã làm cách đây 6 năm. Động thái này cũng diễn ra 3 tháng sau khi FED chấm dứt gói QE3. Ông Draghi cho rằng, nếu phát huy tác dụng, lợi ích của gói QE mà ECB vừa công bố sẽ bù đắp lại được nguy cơ xảy ra một làn sóng phản đối của nước Đức.

Giới chức Đức cho rằng, kế hoạch mua trái phiếu chứa đựng rủi ro khiến thua lỗ lan từ các quốc gia vỡ nợ sang quốc gia khác trong khối, khiến các nước như Đức bị “vạ lây”. Đức cũng cho rằng, kế hoạch này là sự hỗ trợ không công bằng dành cho các quốc gia không chịu làm gì để tự cứu lấy mình.

Tuy vậy, kế hoạch của ECB được giới phân tích đánh giá là đúng đắn.

“Nhiều người có thể nói rằng ông Draghi lẽ ra lên làm việc này sớm hơn. Nhưng không bao giờ là quá muộn để làm những điều đúng đắn”, ông Stephen Schwarzman, Chủ tịch tập đoàn đầu tư Blackstone nhận xét với Bloomberg.

Giới đầu tư có phản ứng khá mạnh trước động thái của ECB. Tỷ giá đồng Euro đã giảm xuống mức thấp nhất 11 năm, mất 2,1% so với USD, còn 1,137 USD/Euro vào buổi tối theo giờ Frankfurt. Từ đầu năm đến nay, đồng Euro đã mất giá 6%. Chỉ số Euro Stoxx 50 của thị trường chứng khoán châu Âu đóng cửa với mức tăng 1,7%.

Giá vàng tại thị trường New York tái lập mốc 1.300 USDS/oz, cao nhất trong 5 tháng. Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tăng 9,2 USD/oz, dừng ở 1.303,1 USD/oz.

Ngoài kế hoạch bơm tiền, trong cuộc họp hôm qua, ECB cũng tuyên bố duy trì lãi suất cơ bản đồng Euro ở mức thấp kỷ lục 0,05%.

Theo các nhà phân tích, gói QE của ECB ở mức cao trong khoảng kỳ vọng của thị trường. “Mấy năm qua, thị trường đã tin vào ông Draghi. Giờ đây có thể thấy, thị trường nên tiếp tục tin vào ông ấy”, Giám đốc điều hành Laurence Fink của BlackRock phát biểu.

Động thái của ECB khiến sự khác biệt trong chính sách tiền tệ trên toàn cầu càng trở nên rõ rệt. Trong khi Mỹ tiến tới thắt chặt, thì ngân hàng trung ương các nước như Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Canada và Peru đều bất ngờ tăng lãi suất trong tuần qua. Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) cũng gây sốc khi bỏ trần tỷ giá.

Theo một quan chức ECB, ngân hàng trung ương này kỳ vọng, gói QE sẽ nâng lạm phát của Eurozone thêm 0,4 điểm phần trăm trong năm nay và thêm 0,3 điểm phần trăm trong năm 2016.

Trong số 60 tỷ Euro mua trái phiếu mỗi tháng, có 45 tỷ Euro dành cho trái phiếu chính phủ, 5 tỷ Euro dành cho trái phiếu phát hành bằng đồng Euro của các tổ chức, và 10 tỷ Euro hiện đã áp dụng cho việc mua các loại chứng khoán đảm bảo bằng tài sản - một quan chức khác cho hay.
 
Theo Diệp Vũ
VnEconomy
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”