Bình Định:
"Ế" hoa Tết, dân buôn thà đập chậu bỏ chứ không bán tháo
(Dân trí) - Đã 28 Tết nhưng chợ hoa Tết ở TP Quy Nhơn (Bình Định) vẫn khá ảm đạm, người mua thì ít người đi xem để thăm dò giá thì nhiều.
Theo ghi nhận tại chợ hoa Tết dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài, Lê Duẩn, Trường Chinh (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) dù không khí chợ hoa Tết cũng khá nhộn nhịp, nhưng sức mua vẫn ít khiến nhà vườn, người buôn bán hoa thấp thỏm như "ngồi trên đống lửa".
Theo các nhà vườn và tiểu thương buôn bán hoa, ngoài các loại hoa cúc, cúc mâm xôi và mai vàng truyền thống của người dân địa phương trồng, chợ hoa Tết năm nay còn nhiều chủng loại hoa, cây cảnh đẹp nhập từ các tỉnh phía Nam. Riêng về mặt hàng hoa được đánh giá là đẹp, giá cả rẻ hơn năm ngoái nhưng người mua ít.
Đưa hàng trăm chậu hoa cúc và mai vàng về TP Quy Nhơn để bán Tết, chị Nguyễn Thị Nhung (ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) ngao ngán: "Hôm nay đã 28 Tết rồi mà người mua vẫn ít. Năm nay, thời tiết khắc nghiệt, cộng với dịch bệnh Covid-19 nên sức mua giảm mạnh. Mùa hoa năm trước vợ chồng tôi đã thua lỗ gần 20 triệu đồng rồi, năm nay lỗ nữa chắc bỏ nghề".
Kế bên, bà Bùi Thị Nhật (50 tuổi, ở TP Quy Nhơn) thuê 1 lô bán hoa tại đường Nguyễn Tất Thành với giá 10 triệu đồng để bày bán 350 chậu cúc, cho biết: "Tôi ra đây từ ngày 21 âm lịch nhưng đến nay chỉ bán được vài chục chậu. Ai cũng nghĩ người bán hoa lời lắm, nhưng họ đâu biết trồng lên được chậu hoa bỏ biết bao công sức, chăm sóc cực khổ thế nào. Trồng được chậu cúc mất 5 - 6 tháng trời, người mua chỉ mua 1 lần mà họ còn so đo. Như năm ngoái tôi bán bình quân 500.000 đồng/chậu cúc, năm nay biết dịch bệnh kinh tế khó khăn hạ giá 350.000-400.000 đồng, vậy mà có người đến trả cả cặp cúc có 350.000 đồng. Họ trả vậy hỏi mình có bực không.
Theo bà Nhật chia sẻ, nhiều người đi mua hoa Tết vẫn lợi dụng tâm lý đợi 30 Tết để tiểu thương giảm giá "xả hàng" vì hoa nếu không bán cũng bỏ.
"Năm ngoái cũng vậy, thà chịu lỗ mình đập bỏ còn hơn xả hàng, bán rẻ nhiều người lại chờ đến 30 Tết để mua thì chỉ khổ người bán hoa. Ông xã tôi trồng hoa là vì đam mê, chứ ở nhà tôi bán bánh xèo kiếm ngày mấy trăm nghìn cho khỏe. Đi bán hoa thức đêm, thức hôm mà người mua không thấy, chỉ thấy người vào chụp hình với hoa. Có chị em mặc áo dài, sơ ý làm quẹt làm gãy hoa nên chậu hoa mất giá trị nhưng chẳng lẽ mình bắt đền", bà Nhật nói.
Có thâm niên gần 20 năm bán đào, anh Châu Đông Thành (ở TP Quy Nhơn) luôn mong muốn tuyển chọn những cây bích đào đẹp nhất để phục vụ người dân chơi Tết. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh phức tạp nên anh Thành phải nhập về với số lượng hạn chế.
"Năm ngoái tôi nhập về 500 gốc đào, nhưng năm nay tình hình dịch bệnh phức tạp nên chỉ lấy về 225 gốc. 17 năm bán hoa đào, năm nay hoa đào đẹp nhất, bông búp đều, đẹp, hoa rất tươi và giá cả thì chỉ bằng 1/3 năm trước nhưng người mua thì ít", anh Thành cho hay.
Anh Thành cũng cho rằng, người chơi Tết muốn có hoa đẹp nhưng vẫn đợi 30 Tết đi mua cho rẻ. "Năm ngoái tôi nhập về hơn 500 gốc, bán không hết nhưng tôi quyết không xả mà chặt bỏ gần 200 gốc, tính chi phí lỗ 121 triệu đồng", anh Thành nói.
Hoạt động mua bán ế ẩm không chỉ ảnh hưởng đến chủ vườn, tiểu thương mà còn ảnh hưởng đến các dịch vụ ăn theo, nhất là những lao động hành nghề chở hoa, cây cảnh thuê ngày Tết.
"Đây là dịp người vận chuyển hoa thuê như tụi tôi kiếm thu nhập cao hơn bình thường. Nếu khách mua nhiều thì mình thu nhập nhiều, còn mua bán ế thì mình ế theo. Tùy chậu bông to hay nhỏ, xa hay gần mà có giá khác nhau, song trung bình từ 50 đến 100.000 đồng/chuyến trong nội thành Quy Nhơn", anh Tài - một người vận chuyển hoa thuê tại chợ hoa Tết Quy Nhơn cho biết.