1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Duyệt hơn 38.000 tỷ đồng cho "siêu dự án" cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Sáng 24/7, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nêu thẩm tra kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó thống nhất vốn đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là hơn 38.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2021-2025, dự kiến vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 120.000 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tháng 10/2020. Trong đó, 1,5 triệu tỷ đồng vốn ngân sách trung ương (NSTW) và 1,37 triệu tỷ đồng vốn ngân sách địa phương (NSĐP).

Giai đoạn 2021-2025, tổng mức vốn dự kiến của Chính phủ là hơn 2,87 triệu tỷ đồng tăng 870.000 tỷ đồng (43,5%) so với số kế hoạch và tăng 670.000 tỷ đồng (30,4%) so với số thực hiện giai đoạn 2016-2020.

Đưa ra đánh giá thẩm tra về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội (TCNS) cho rằng, so với giai đoạn 2016-2020 thì giai đoạn 2021-2025 dự kiến thu NSNN tăng gấp 1,2 lần; chi thường xuyên dự kiến tăng 1,34 lần; vốn đầu tư công dự kiến tăng 1,43 lần; tỷ trọng chi đầu tư phát triển dự kiến khoảng 28%-29% tổng chi NSNN, cao hơn số kế hoạch giai đoạn 2016-2020 là tích cực.

Theo cơ quan tài chính ngân sách của Quốc hội, để khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19, tạo cú hích về nguồn vốn thúc đẩy tăng trưởng thì việc tăng tổng mức đầu tư nguồn NSNN trong giai đoạn 2021-2025 là cần thiết.

Về phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSTW, Ủy ban TCNS cho biết với tổng số dự kiến NSTW 1,5 triệu tỷ đồng, Chính phủ dự kiến để lại 10% dự phòng (150.000 tỷ đồng) và phân bổ 1,35 triệu tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Đến nay, Chính phủ dự kiến phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư vốn NSTW là hơn 1,09 triệu tỷ đồng, số còn lại chưa có phương án phân bổ. Riêng vốn NSTW trong nước (1,08 triệu tỷ đồng), Chính phủ dự kiến bố trí cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là hơn 910.000 tỷ đồng, trong đó các bộ, cơ quan Trung ương hơn 552.000 tỷ đồng; Hỗ trợ cho các địa phương hơn 358.000 tỷ đồng, bao gồm hỗ trợ đầu tư các dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng, đường ven biển của địa phương.

Ủy ban TCNS cho rằng, phương án phân bổ vốn của Chính phủ chưa bảo đảm cụ thể, vì bên cạnh việc phân bổ 100.000 tỷ đồng dự kiến dành cho các chương trình mục tiêu quốc gia, số còn lại hơn 69.600 tỷ đồng Chính phủ dự kiến thực hiện một số nhiệm vụ, bao gồm 4.723 tỷ đồng để thanh toán cho Dự án đường Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; hơn 8.000 tỷ đồng để thu hồi vốn ứng trước của Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam; hơn 56.800 tỷ đồng chưa có phương án chi tiết đảm bảo đầy đủ danh mục dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.

Ủy ban TCNS cũng cơ bản thống nhất với dự kiến bố trí khoảng 104.500 tỷ đồng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, đối với 38.738 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường  cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia theo đúng quy định.

Đối với số vốn 78.719 tỷ đồng Chính phủ dự kiến phân bổ cho Bộ GTVT, Ủy ban TCNS nhận thấy chưa có chủ trương đầu tư theo quy định.

"Số vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương và dự kiến hoàn thành 1.700 km tuyến đường ven biển trong 5 năm là khó khả thi, bởi các tuyến đường ven biển đi qua nhiều cửa sông, cửa biển, địa hình phức tạp, tính kết nối chưa rõ.

Khả năng bố trí NSNN hoàn thành toàn tuyến đường chưa có cơ sở, tuyến đường này đi qua những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, khó bảo đảm bố trí ngân sách địa phương để thực hiện" - báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS nêu rõ.