Đường sắt Cát Linh – Hà Đông khó hoàn vốn khi chính thức vận hành
Dự kiến, cuối tháng 4/2019, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chính thức vận hành đi vào vận hành thương mại, Ban quản lý dự án đang nỗ lực gấp rút các khâu thiện dự án để đưa vào vận hành. Tuy nhiên, dự án vẫn đang thi công ngổn ngang khiến cho nhiều lo ngại ngày vẫn hành khó có thể đảm bảo đúng tiến độ.
Theo ghi nhận của PV, việc thi công xây dựng các nhà ga tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn còn ngổn ngang, nhiều hạng mục phụ trợ của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vẫn đang trong quá trình thi công chưa hoàn thiện, chưa có hệ thống kết nối.
Đặc biệt, là cầu thang lên xuống ở các nhà ga vẫn còn phủ bạt thi công dang dở một số hạng mục khác như đường ống thoát nước, đầu chờ điện vẫn đang được đấu nối, hệ thống mái che cầu thang lên xuống chưa được lắp.
Toàn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Trên tuyến có 12 nhà ga trên cao, gồm: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, La Khê, Văn Khê và Yên Nghĩa. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Tần suất khai thác 3 - 5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến.
Cầu thang lên các nhà ga đang hoàn thiện.
Liên quan tới việc ngày vận hành chính thức tàu Cát Linh – Hà Đông, trao đổi với PV Dân Việt, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông khó có thể vận hành đúng tiến độ, bởi đến nay dự án vẫn còn chưa thi công xong các hạng mục như: Cầu thang lên xuống các nhà ga, mái che cầu thang, phần sơn bên ngoài cũng chưa hoàn thiên”.
“Dự án này, có thể coi là thất bại vì khó có thể thu hồi vốn đầu tư vì tiêu tốn quá nhiều tiền của. Tôi cho rằng, dự án này không khả thi, vừa chậm tiến độ lại đội vốn quá khủng. Số tiền làm tàu Cát Linh – Hà Đông nên đầu tư vào các dự án đường khác như đường trên cao hoặc các đường vành đai để giải toả giao thông”, TS. Hiển phân tích.
TS. Hiển cho rằng: “Ngoài đường sắt Cát Linh – Hà Đông, còn có tuyến buýt nhanh BRT cũng thất bại. Tôi hy vọng những người lập dự án, phê duyệt, thẩm định đường sắt Cát Linh – Hà Đông và buýt nhanh BRT nhận thức ra cái sai của mình và đừng ép người dân phải gánh chịu hậu quả cái sai của mình gây ra”.
Tại buổi kiểm tra dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã kiểm tra chất lượng các đoàn tàu và kết quả vận hành thử và tình hình tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật vận hành của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Để đảm bảo tàu Cát Linh – Hà Đông chạy đúng tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu tổng thầu, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phải nỗ lực, phối hợp tốt hơn để giải quyết các vướng mắc, sớm hoàn thành dự án đưa vào khai thác đúng kế hoạch.
Theo Bộ trưởng Thể, người dân Hà Nội đang chờ dự án sớm đưa vào khai thác để đi lại thuận lợi, giải quyết ùn tắc giao thông. Nếu các bên không cùng nỗ lực giải quyết, vướng mắc không được tháo gỡ, dự án tiếp tục kéo dài. Các đơn vị liên quan và tổng thầu phải có kế hoạch phối hợp giải quyết.
Ban Quản lý dự án phải liệt kê ra các công việc, những vướng mắc và chỉ rõ ai giải quyết. Tổng thầu phải thực hiện đầy đủ các công việc từ vận hành thử, đào tạo, xây dựng quy trình bảo trì, bảo dưỡng... theo hợp đồng và có trách nhiệm chính trong việc kết thúc dự án.
Bộ Trưởng Thể yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam hướng dẫn cụ thể cho tổng thầu và Ban Quản lý dự án sát hạch, cấp giấy phép lái tàu và các chức danh công việc. Tổng thầu và các đơn vị liên quan cần nỗ lực để dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng 4/2019.
Theo Thế Anh
Dân Việt