Không chỉ đội vốn hàng chục nghìn tỷ, các dự án đường sắt đô thị còn để xảy ra sai sót lớn

(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước phát hiện hàng loạt sai sót lớn tại các dự án đường sắt đô thị và kiến nghị xử lý tài chính lên tới hàng nghìn tỷ đồng ở một số dự án.

duong-sat-1543986124415285869901.jpg

Không chỉ đội vốn hàng chục nghìn tỷ, KTNN phát hiện sai sót lớn về tài chính tại các dự án đường sắt đô thị.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình ngày 12/2 cho biết, năm 2018, qua kiểm toán tổng hợp tại các bộ, ngành và 26 cuộc kiểm toán liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn ODA, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 21.712 tỷ đồng.

Đồng thời, KTNN cũng chỉ rõ một số hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng nguồn vốn. Cụ thể, việc giao kế hoạch vốn ODA chưa sát thực tế, chưa theo thứ tự ưu tiên, không đúng quy định, một số dự án được đề xuất chưa thực sự cần thiết, không phù hợp với thực tế, dẫn đến chậm triển khai hoặc không thực hiện được những nội dung chính của dự án, phải rà soát, điều chỉnh nguồn vốn.

Trong khi đó, các bộ, ngành, địa phương sử dụng vốn vay ODA chi thường xuyên chưa phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ.

Đáng lưu ý, KTNN chỉ ra rằng, một số dự án được kiểm toán chi tiết cho thấy công tác thẩm định, phê duyệt dự án thiếu chặt chẽ, quá trình thực hiện phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư khá phổ biến...

"Cá biệt, có một số dự án có sai sót lớn, như: Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông kiến nghị xử lý tài chính 2.814 tỷ đồng, bằng 23,6% giá trị được kiểm toán; Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên kiến nghị xử lý tài chính 2.898 tỷ đồng, bằng 11,4% giá trị được kiểm toán…", báo cáo KTNN nêu rõ.

Ngoài các sai sót được KTNN nói tới, các dự án đường sắt đô thị vẫn được dư luận nhắc đến thường xuyên trong thời gian qua bởi tình trạng triển khai chậm tiến độ, đặc biệt là đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng, làm giảm hiệu quả kinh tế.

Một báo cáo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện gửi tới Chính phủ và các bộ ngành khác cho thấy, tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư xảy ra đối với nhiều chương trình, dự án, điển hình là các dự án đường sắt đô thị.

Trong đó, điển hình như Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tăng từ 19.555 tỷ đồng lên 51.750 tỷ đồng, sau khi thẩm định đang đề nghị điều chỉnh xuống còn 33.568 tỷ đồng.

Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TPHCM tuyến 1, đoạn Bến Thành - Tham Lương vay nguồn Đức, ADB, EIB dự kiến tăng từ mức 26.116 tỷ đồng lên 47.603 tỷ đồng.

Đặc biệt, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông tăng từ 8.769 tỷ đồng lên 18.000 tỷ đồng. Hay như dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội vay Pháp, ADB, EIB tăng tổng mức đầu tư từ 783 triệu EUR lên 1.176 triệu EUR.

Tuyến đường sắt đô thị số 1, 2 TPHCM và tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo của Hà Nội hiện vẫn đang trong quá trình điều chỉnh dự án.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư của dự án là do kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng dẫn tới phát sinh thêm chi phí. Bên cạnh đó, biến động của giá nguyên, nhiên liệu và lương tối thiểu cũng dẫn tới việc tăng mức đầu tư.

Năng lực tư vấn kém cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Như tại dự án đường sắt đô thị tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, trong quá trình tính toán chi phí đầu tư như áp dụng tỷ giá quy đổi, chi phí dự phòng không theo quy định, tính sai khối lượng một số hạng mục chính, đặc biệt là chi phí hệ thống cơ điện cao và không được tư vấn lập dự án phân tích đơn giá chi tiết.

Hay tại dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị đoạn Bến Thành - Tham Lương, tư vấn đã bỏ sót khối lượng và hạng mục chi phí trong báo cáo khả thi dự án.

Phương Dung

bannerchan-bai.gif