“Được” và “mất” khi Việt Nam tham gia TPP
(Dân trí) - “Chúng ta đã có số vốn “dắt lưng” nhất định nên tham gia Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cần thiết, Việt Nam sẽ được nhiều hơn mất…” - ông Trần Hữu Huỳnh - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định.
Lợi ích nhiều…
Xung quanh vấn đề Việt Nam được gì và mất gì khi tham gia TPP, các chuyên gia kinh tế đã có những nhận định và đánh giá cho rằng Việt Nam sẽ được nhiều hơn là mất.
Ông Trần Hữu Huỳnh - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “TPP dù chưa đàm phán, chưa ký kết nhưng có thể coi đây là 1 Hiệp định thế kỷ, Hiệp định có tham vọng và có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế mới nổi như Việt Nam”.
Tham gia TPP, xuất nhập khẩu sẽ có lợi hơn (ảnh: Internet)
“Việt Nam đã có định hướng lựa chọn tham gia thì cần phải có những sự tính toán hết sức nghiêm túc. Tôi nghĩ, với số vốn “dắt lưng” mà Việt Nam đã có như: FTA, PTA, WTO… nhìn về chiến lược, về chiều dài phát triển thì việc tham gia TPP sẽ được nhiều và cơ bản, vì lợi ích dân tộc nên tham gia TPP là cần thiết” - ông Huỳnh khẳng định.
Về cơ bản, các nước tham gia TPP sẽ được hưởng những lợi ích lớn về thuế quan, các bên được bình đẳng với nhau trong TPP. Nhưng trong TPP không có quy chế đặc biệt cho các nước đang phát triển như Việt Nam, khi xét về điều kiện, năng lực kinh tế, thách thức sẽ phải đối diện thì rõ ràng cần phải tính toán kỹ về mức độ tham gia.
“Chiến lược của Việt Nam là tham gia sâu, rộng, toàn diện và lâu dài nhưng trên cơ sở khả năng chịu đựng của nền kinh tế. Mặc dù có những nỗ lực nhưng chúng ta không tham gia TPP vô điều kiện, chúng ta phải có phương cách trong từng giai đoạn phù hợp” - ông Huỳnh cho hay.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tham gia đàm phán và ký kết TPP, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội khi các lĩnh vực kinh tế quan trọng được ký kết như: dịch vụ (bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, pháp lý và môi giới); đầu tư; viễn thông và thương mại điện tử; quyền sở hữu trí tuệ; các biện pháp vệ sinh dịch tễ; hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
Đối với các doanh nghiệp, cam kết miễn/giảm thuế các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt ở tất cả các nước TPP thì các ngành xuất khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi trong tiếp cận thị trường đối với các loại hàng hóa hiện đang chiếm tỷ trọng thương mại đáng kể như: nuôi trồng thủy sản, dệt may, da giày, đồ nội thất…
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam, nhìn nhận: “Tôi cho rằng Việt Nam tham gia ký kết các Hiệp định thương mại quốc tế thì đều có lợi.
Thực tế đã chứng tỏ điều đó khi Việt Nam tham gia vào WTO, ban đầu thực hiện có vẻ khó khăn, nào là thất nghiệp, nào là giảm tỷ trọng… nhưng khi WTO đã vào sâu trong Việt Nam rồi thì các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều thuận lợi. Như ngành gỗ, khi WTO vào Việt Nam thì có thêm rất nhiều FTA, thị trường được mở rộng, thị phần tăng lên…”.
… Thách thức cũng không ít
Đánh giá cao về TPP nhưng bà Nguyễn Thị Hồng Tín - Trưởng Ban Nghiên cứu và Xúc tiến thị trường, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay: “Tôi hiểu rằng quan hệ song phương giữa các nước tham gia TPP sẽ được cải thiện, khi đi chung trên 1 con thuyền thì chúng ta sẽ có được những thuận lợi chung, nhưng chắc chắn là thách thức cũng không phải là ít. Vì vậy khi chúng ta ra sóng ra gió thì phải chuẩn bị sức khỏe cho tốt”.
Trên thực tế, tham gia TPP thì Việt Nam sẽ phải cải cách Luật lao động để đạt các tiêu chuẩn có thể chấp nhận được bởi các nước thành viên TPP, hay như quy chế “Nền kinh tế thị trường” (nhiều nước trong TPP không công nhận Việt Nam là 1 nền kinh tế thị trường).
Vì vậy, TPP sẽ không giúp loại bỏ các biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng. TPP không giúp hạn chế việc Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp phòng vệ đối với hàng xuất khẩu Việt Nam bán phá giá hoặc có trợ cấp.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, việc Hoa Kỳ tham gia vào TPP chủ yếu với mục đích hạn chế vai trò của Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều này đồng nghĩa với những nguyên tắc cứng rắn trong các lĩnh vực nhập khẩu nhạy cảm nhằm giảm thiểu thất thoát thương mại.
Nói về những thách thức trong TPP, ông Huỳnh cho biết: “Nếu phân tích cụ thể vẫn rất khó để nói ngành nào được lợi nhiều nhất trong TPP. TPP có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp thiên về thương mại thuần túy được lợi hơn, nhưng những ngành sản xuất trong nước, ngành dịch vụ thì sẽ phải đối diện với các thách thức và chịu thiệt”.
“Các doanh nghiệp Việt Nam phải nghiên cứu kỹ lưỡng về luật pháp quốc tế và luật pháp của các nước tham gia TPP. Chúng ta phải lưu ý về các tiêu chí rào cản rất rõ ràng đối với hàng xuất đi thì hàng nhập về giữa Việt Nam và các nước trong TPP” - bà Tín nhấn mạnh.
TPP có nền tảng là Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương được ký kết năm 2005 (còn gọi là “Hiệp định P-4”) bắt đầu có hiệu lực từ năm 2006, với sự tham gia của 4 nước: Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. Về nguyên tắc, TPP quy định các nước thành viên xoá bỏ tất cả các loại thuế và mở cửa cho các thành viên khác thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) gồm 21 nước cùng tham gia. Đến nay, 5 nền kinh tế khác trong APEC là Mỹ, Australia, Peru, Malaysia và Việt Nam đã thông báo tham gia đàm phán, thương lượng về việc gia nhập TPP (Trong 9 nước tham gia các cuộc thương lượng có 4 nước thành viên ASEAN là Brunei, Singapore, Malaysia và Việt Nam). |
Quỳnh Anh