1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Được gì, mất gì từ các dự án BOT giao thông?

(Dân trí) - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng hạ tầng giao thông Việt Nam đứng ở vị trí thứ 74 thế giới, đó là cái được, là kết quả của việc huy động vốn tư nhân tham gia các dự án BOT. Tuy nhiên, không được người dân đồng thuận là bất cập lớn nhất từ BOT.

Dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) ra đời trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công hạn hẹp. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ chỉ đạo xã hội hóa đầu tư, theo Nghị định số 108/2009/NĐ-CP.

Được nhiều…

Trong 5 năm (2011 - 2016) thực hiện đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã huy động được khoảng 171.308 tỷ đồng, trong đó vốn BOT là 154.481 tỷ đồng/59 dự án, chiếm khoảng 90,2% (các dự án đường bộ 169.813 tỷ đồng/57 dự án). Đến nay, đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 55 dự án BOT với tổng mức đầu tư 137.819 tỷ đồng (toàn bộ là lĩnh vực đường bộ).

Bộ GTVT đang triển khai đầu tư 15 dự án BOT với tổng mức đầu tư 60.042 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước khoảng 5.070 tỷ đồng), trong đó lĩnh vực đường bộ 13 dự án BOT với tổng mức đầu tư 58.682 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước khoảng 5.048 tỷ đồng).

Trong bối cảnh ngân sách cạn kiệt, tư nhân tham gia đầu tư BOT giúp hạ tầng giao thông Việt Nam có một diện mạo mới trong những năm qua, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội
Trong bối cảnh ngân sách cạn kiệt, tư nhân tham gia đầu tư BOT giúp hạ tầng giao thông Việt Nam có một diện mạo mới trong những năm qua, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Việc triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giám áp lực nợ công, kích cầu đối với sản xuất trong nước. Chính yếu tố này đã tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

So với thời điểm các công trình chưa được đầu tư nâng cấp, các dự án BOT khi đưa vào khai thác giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành khai thác, chi phí nhiên liệu, khấu hao phương tiện, tiết kiệm thời gian của người sử dụng đường bộ... Người đi xe máy và xe thô sơ được sử dụng công trình có mức độ phục vụ tốt hơn mà không mất phí.

Năm 2014, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá, tính khả dụng của hạ tầng giao thông Việt Nam đứng ở vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 (vị trí thứ 90) và tăng 29 bậc so với năm 2010 (vị trí thứ 103).

… Bất cập không ít!

Ngoài kết quả mang tính đột phá từ BOT, cần phải thẳng thắn nhận diện những hạn chế, bất cập vì các dự án BOT hiện nay.

“Việc triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện có theo hình thức BOT phải đặt trạm thu phí dẫn đến người dân không còn sự lựa chọn, có thể nói đây là nguyên nhân cơ bản làm phát sinh các bức xúc của người dân” - Bộ GTVT thừa nhận.


Dự án Cai Lậy vỡ trận là điển hình của sự bất cập trong đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.

Dự án Cai Lậy "vỡ trận" là điển hình của sự bất cập trong đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.

Với các dự án BOT, một số công trình sau khi đưa vào khai thác có những khiếm khuyết về chất lượng như hằn lún vệt bánh xe, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác. Một số dự án do tính chất cấp bách nên trình tự thủ tục đầu tư chưa thực sự chặt chẽ.

Đặc biệt, vấn đề phí và trạm thu phí là điều khiến người sử dụng đường bộ quan tâm lớn nhất, trở thành nỗi bức xúc lớn nhất. Nhiều trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách trên cùng tuyến đường hoặc vị trí đặt trạm chưa hợp lí.

Bằng chứng là trong tổng số 70/88 trạm đang thu phí trên các tuyến quốc lộ thì có 10 trạm khoảng cách 60 - 70 km, 20 trạm có khoảng cách dưới 60 km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT.

Qua phản ánh của người dân, hiện Bộ GTVT mới chỉ xử lý được 6/74 trạm có bất cập. Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước chưa có giải pháp quản lý nguồn thu của các trạm thu một cách hiệu quả, minh bạch dẫn đến còn có hiện tượng thất thoát doanh thu.

Hiện nay, các dự án BOT chỉ kêu gọi được nhà đầu tư trong nước với nguồn lực hạn chế mà chưa kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài và nguồn vốn tín dụng nước ngoài. Khung pháp lý điều chỉnh hình thức đầu tư này chưa hoàn thiện.

"Gỡ rối" bằng cách nào?

Trước những vấn đề của dự án BOT gây bức xúc cho người dân, Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có giải pháp thực sự hiệu quả. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, câu chuyện BOT đã có tiền lệ ở nhiều nước trên thế giới và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Cần có các giải pháp cữu vãn tình thế BOT hiện nay, giảm gánh nặng về phí cho người sử dụng đường bộ
Cần có các giải pháp cữu vãn tình thế BOT hiện nay, giảm gánh nặng về phí cho người sử dụng đường bộ

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, giải pháp trước trước mắt để hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với người dân trong khu vực trạm thu phí đó là miễn-giảm phí, áp dụng chính sách miễn phí đối với xe thô sơ, xe máy nông nghiệp, xe máy; đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư phải bán vé quý, vé tháng để các phương tiện cơ giới có quyền đi lại nhiều lần nhưng chỉ trả phí một lần trong ngày.

"Để đảm bảo công bằng tuyệt đối, giải pháp tốt nhất là áp dụng hình thức thu phí không dừng. Hình thức thu phí này sẽ đo chính xác về lưu lượng xe và tính tiền theo km, giúp chủ phương tiện tiết kiệm thời gian, nhiên liệu, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Đây cũng là hình thức giám sát nguồn thu, tạo sự minh bạch, công bằng trong hoạt động đầu tư” - lãnh đạo Bộ GTVT nói.

Một giải pháp quan trọng khác cần đẩy nhanh là việc quyết toán các dự án BOT, bởi đây là căn cứ pháp lý, đã được ghi rõ trong hợp đồng BOT giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư dự án. Việc quyết toán cũng khẳng định quy định, xác định chính xác mức phí và thời gian thu phí của dự án, làm cơ sở để đảm bảo sự công khai và minh bạch về mức thu và thời gian thu phí của các dự án BOT. Trên thực tế, sau quyết toán không ít dự án BOT đã xác định thời gian thu phí pháp lý giảm nhiều so với dự kiến ban đầu khi lập dự án.

Theo giới chuyên môn, để giải quyết bất cập của BOT thì việc xây dựng Luật đối tác công-tư (PPP) là cấp bách. Cùng đó, hoàn chỉnh thể chế, chính sách điều chỉnh hoạt động đầu tư theo hình thức PPP, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước - nhà đầu tư - người sử dụng, quản lý chặt chẽ, minh bạch và hiệu quả nguồn vốn.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm