Đừng vội mua xe "chạy phí", hết ưu đãi ô tô vẫn đại hạ giá

Các doanh nghiệp ô tô đã lên kế hoạch chuẩn bị cho thời kỳ "hậu ưu đãi lệ phí trước bạ". Dự báo sẽ tiếp tục có những đợt kích cầu mới, người tiêu dùng có thể được hưởng nhiều ưu đãi khi mua ô tô trong năm 2021.

Ưu đãi lớn chưa hết

Với việc hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, từ tháng 7 đến tháng 12/2020, khi mua ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, khách hàng được giảm từ 15 đến 250 triệu đồng tùy từng mẫu xe. Nhờ đó đã kích cầu tiêu dùng, giúp doanh số bán xe lắp ráp trong nước tăng mạnh.

Tuy nhiên, từ 1/1/12021 ưu đãi không còn nữa, khách hàng mua xe sản xuất lắp ráp trong nước lại phải chi thêm ngần đó tiền để nộp lệ phí trước bạ, chắc chắn nhiều người sẽ đắn đo. 

Vì vậy, một số khách hàng vội vàng tìm mua ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, với lo ngại sang năm 2021 sẽ không còn nhận được những ưu đãi như hiện nay. Song, các chuyên gia và cả doanh nghiệp ô tô đều cho rằng, ưu đãi lớn vẫn còn tiếp tục.

Đừng vội mua xe chạy phí, hết ưu đãi ô tô vẫn đại hạ giá - 1

Ưu đãi giảm 50% phí trước bạ dành cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước hết năm nay sẽ chấm dứt.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho hay, nửa đầu năm 2020, dịch Covid-19 hoành hành khiến doanh số bán giảm mạnh, lúc đó các DN đã chủ động tung ra những chương trình khuyến mãi, giảm giá "khủng" để kích cầu. Nhiều mẫu ô tô sản xuất lắp ráp trong nước được các doanh nghiệp giảm giá, tặng quà,... giá trị từ hàng chục cho đến cả trăm triệu đồng.

Khi Chính phủ tung ra gói hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ, ngay lập tức doanh nghiệp đã cắt giảm những chương trình khuyến mãi của mình. 

"Tôi nhận thấy, nửa cuối năm 2020 lượng ô tô bán ra tăng mạnh là do những chính sách kích cầu của cả doanh nghiệp và Nhà nước. Với người tiêu dùng, đây là thời điểm tốt để mua được những chiếc ô tô giá hợp lý. Tuy nhiên, kinh tế vẫn khó khăn và hầu hết những người có nhu cầu ô tô đã mua cả rồi, trong khi nguồn cung vẫn lớn. Vì vậy, từ 1/1/2021 kế hoạch kích cầu lớn từ phía các doanh nghiệp sẽ lại được tung ra", ông Đồng dự báo.

Đại diện một doanh nghiệp ô tô FDI nhận định, từ tháng 1/2021 nhu cầu về ô tô sẽ giảm vì hầu hết khách hàng đã mua xe "chạy phí" từ những tháng cuối năm 2020. Sau Tết Nguyên đán, nhu cầu xuống thấp hơn nữa. DN này đã lên kế hoạch chuẩn bị cho thời kỳ "hậu ưu đãi lệ phí trước bạ". Thị trường ô tô vẫn chưa qua khỏi khó khăn, để có doanh số tốt thì phải có chính sách kích cầu tốt. 

Giá tiếp tục giảm?

Các phân tích cho thấy, chỉ có lý do khiến giá xe tăng là nhu cầu của người dân tăng mạnh, dẫn đến thiếu nguồn cung. Nhưng với tình hình hiện tại, điều này không xảy ra. Tuy giá đã giảm so với nửa đầu năm, nhưng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước vẫn còn lượng tồn kho lớn.

Ngoài ra, còn một yếu tố khác là xe nhập khẩu. Nguồn ô tô nhập khẩu nguyên chiếc của Việt Nam chủ yếu từ Thái Lan và Indonesia. Hai quốc gia này đã có gói hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô. Chính vì vậy, ô tô nhập khẩu về Việt Nam liên tiếp tăng trong những tháng gần đây với giá tốt. Nguồn cung tăng, nhiều mẫu xe nhập khẩu cũng đang được các doanh nghiệp hỗ trợ khách hàng 50% lệ phí trước bạ. Khi giá xe nhập khẩu nguyên chiếc giữ ở mức thấp, giá xe trong nước khó có thể điều chỉnh tăng.

Đừng vội mua xe chạy phí, hết ưu đãi ô tô vẫn đại hạ giá - 2

Người tiêu dùng vẫn có thể nhận được ưu đãi lớn khi mua ô tô từ đầu năm 2021.

Nhận định chung từ giới kinh doanh đều cho rằng, do tác động của dịch bệnh, thị trường ô tô không chỉ bị ảnh hưởng trong năm 2020 mà còn kéo dài sang các năm tiếp theo, doanh số giảm. Trong bối cảnh này, giá xe khó có thể tăng như lúc nhu cầu đang cao.

Theo một số dự báo, từ 1/12021, nhiều mẫu ô tô sẽ tiếp tục được các doanh nghiệp giảm giá, ưu đãi tương đương với 50% lệ phí trước bạ trở lên. Thậm chí, những mẫu xe ế ẩm, doanh số thấp mất thị phần có thể được doanh nghiệp và đại lý tăng ưu đãi tới 100% lệ phí trước bạ; nhất là thời điểm sau Tết nguyên đán Tân Sửu.

Năm 2021 còn có những điều chỉnh về chính sách ô tô. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổ công tác về ô tô sẽ được thành lập do Bộ Tài chính chủ trì, với các thành viên thuộc Bộ Công Thương, Bộ KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước,... để xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển.

Một chính sách quan trọng sẽ được xem xét là điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ô tô. Mức thuế này quá cao, hạn chế người dân sử dụng ô tô, khiến sản xuất ô tô không phát triển. Nếu được ưu đãi thì thời gian tới, các mẫu xe lắp ráp trong nước có điều kiện giảm giá.

Ngoài ra là những gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô cũng như dành cho người tiêu dùng mua xe trong nước khi được ban hành sẽ giúp giá xe giảm.