1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Sắp hết hạn chính sách giảm 50% phí trước bạ, giá ô tô có tăng?

Mới đây, Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ không kéo dài thời hạn áp dụng giảm 50% phí trước bạ đến tháng 6/2021 như đề xuất của một số bên, tuy nhiên, vẫn có một số tín hiệu tích cực cho ngành xe hơi thời gian tới.

Năm 2020, chính sách được dư luận quan tâm nhất là giảm 50% phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (từ 10-12% xuống còn 5-6%/chiếc/tùy theo địa phương).

Theo nhận định của giới chuyên môn, trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, thu nhập người tiêu dùng giảm do ảnh hưởng đại dịch Covid - 19, các chính sách nói trên phù hợp và đúng thời điểm.

Trước khi Nghị định 57 được thực thi, nhiều vấn đề được đặt ra như thất thu thuế, vi phạm phân biệt đối xử hay có thể tạo tiền lệ xấu đối với cạnh tranh... Tuy nhiên, rõ ràng, chính sách này đã có hiệu quả nhất định, hỗ trợ người tiêu dùng, doanh nghiệp Việt.

Sắp hết hạn chính sách giảm 50% phí trước bạ, giá ô tô có tăng? - 1

Chính sách giảm 50% phí trước bạ có thể sẽ không được gia hạn

Mới đây, một số đơn vị sản xuất, kinh doanh ô tô đã có đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng giảm 50% phí trước bạ này đến tháng 6/2021. Tuy nhiên, trước động thái từ phía Bộ Tài chính, các chuyên gia nhận định, việc giảm 50% phí trước bạ cho xe trong nước có thể sẽ kết thúc theo đúng thời hạn (hết tháng 12/2020).

Tuy không còn ưu đãi giảm 50% phí trước bạ, tuy nhiên, giá xe có thể sẽ không bị tác động nhiều. Nguyên nhân là do hiện tại, nhiều hãng xe đã và đang giảm giá xe mạnh, vượt mức giảm phí trước bạ để kích cầu, tri ân khách hàng.

Thậm chí, có hãng tặng 100% phí trước bạ cho khách khi mua xe trả thẳng tiền 1 lần. Trong khi đó, ở phân khúc xe ăn khách như sedan, hatchback, xe đa dụng 7 chỗ, hầu hết các hãng đều giảm giá mạnh để đạt doanh số.

Nhiều dự đoán của đại lý xe hơi ở Hà Nội, bước sang năm 2021, các đại lý vẫn sẽ phải đưa ra khuyến mãi, giảm giá xe để chạy doanh số, đẩy hàng tồn và chủ động các đơn hàng mới.

Bên cạnh đó, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2020/NĐ-CP về giảm, miễn thuế đối với linh kiện, cụm linh kiện nhập khẩu để lắp ráp, sản xuất xe hơi trong nước. Đối tượng thụ hưởng chính sách là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hơi, doanh nghiệp làm công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô.

Việc Chính phủ cho phép miễn, giảm thuế suất thuế nhập linh kiện ô tô góp phần giảm chi phí, từ đó giảm giá xe hơi trong nước, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường ô tô có quy mô tiêu thụ lớn hơn.

Ngoài ra, với việc Việt Nam ký kết và cam kết mở cửa thị trường với các đối tác lớn ở hai hiệp định quan trọng là EVFTA và CPTPP, thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước phát triển như EU, Nhật, Úc, Mexico sẽ giảm theo lộ trình.

Cụ thể, với EVFTA, Việt Nam sẽ cắt bỏ thuế nhập xe hơi từ Đức, Pháp, Thụy Điển... bình quân 6-7,4%/năm. Với mức thuế suất thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước nói trên là trên 70%, việc bãi bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu sẽ thực hiện từ năm 2020 đến năm 2029 và 2030.

Sau thời gian này, xe xuất xứ từ các "thiên đường" ô tô như Đức, Pháp về Việt Nam không chịu thuế 70% như hiện nay. Ngoài ra, giới chuyên môn cũng nhận định, với động thái trên, áp lực cạnh tranh sẽ khiến các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất xe trong nước phải "lớn" để tồn tại.