Nga giảm lượng cung cấp khí đốt cho Đức xuống còn một nửa
(Dân trí) - Gazprom vừa cho biết sẽ giới hạn lượng khí đốt đến Đức ở mức dưới 70 triệu m3 mỗi ngày, thấp một nửa so với hiện tại, với lý do bảo dưỡng thiết bị tại đường ống Nord Stream 1.
Trong tuyên bố hôm 14/6, Tập đoàn dầu khí do nhà nước Nga kiểm soát - Gazprom cho biết họ đang cắt giảm nguồn cung khí đốt đến Đức qua đường ống Nord Stream 1 từ 167 triệu m3/ngày xuống 100 triệu m3/ngày, nhưng đến hôm qua (15/6), công ty khí đốt quốc doanh Nga lại thông báo sẽ giảm thêm xuống còn 67 triệu m3/ngày.
Gazprom cho biết, lý do là để bảo dưỡng thiết bị tại đường ống Nord Stream.
Cùng với Đức, Gazprom cũng giảm lượng khí đốt cho Italy khoảng 15%. Đây là 2 nước phụ thuộc rất lớn vào khí đốt Nga, chiếm khoảng 40% lượng nhập khẩu.
Động thái của Gazprom diễn ra sau 2 tuần các nhà lãnh đạo EU đồng ý cấm nhập khẩu phần lớn dầu Nga vào cuối năm nay nhằm trừng phạt Moscow trong cuộc chiến tại Ukraine.
Phản ứng với động thái này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng đây là "một quyết định mang tính chính trị" và không phải là do vấn đề kỹ thuật. "Rõ ràng đây là một chiến lược nhằm gây bất ổn và đẩy giá tăng cao", ông nói.
Trước đó, Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Đan Mạch và Hà Lan đã bị Nga ngừng cung cấp khí đốt sau khi từ chối yêu cầu "các quốc gia không thân thiện" thanh toán mua khí đốt bằng đồng rúp của Nga.
Ông Habeck nói rằng hành động của Nga cho thấy các nước châu Âu cần phải chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga ngay lập tức. Hồi tháng 2, Đức đã đình chỉ việc mở đường ống Nord Stream 2, ngay trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết ông sẽ chờ xem động thái này sẽ ảnh hưởng ra sao đến thị trường khí đốt châu Âu và Đức, song cho biết luôn cố gắng tìm kiếm các nguồn thay thế khác.
"Chúng tôi cũng không có vấn đề về nguồn cung", ông nói và cho biết Đức sẽ tiếp tục dự trữ khí đốt và đã đạt được kết quả tốt trong vài ngày qua.
"Tuy nhiên, chúng tôi chắc chắn phải đợi 2-3 ngày để có cái nhìn tổng thể để xem bây giờ mọi thứ sẽ diễn biến ra sao", ông nói.
Trong một diễn biến khác, EU đã ký thỏa thuận khung với Israel và Ai Cập để tăng lượng khí đốt xuất khẩu từ Israel cho các nước EU.