1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Các "ông lớn" năng lượng châu Âu được "bật đèn xanh" mua khí đốt Nga

Nhật Linh

(Dân trí) - Các công ty năng lượng châu Âu đang lên kế hoạch tiếp tục mua khí đốt của Nga sau khi được Liên minh châu Âu "bật đèn xanh".

Các ông lớn năng lượng châu Âu được bật đèn xanh mua khí đốt Nga - 1

Liên minh châu Âu nhượng bộ "bật đèn xanh" cho các công ty năng lượng trong khối mua khí đốt của Nga (Ảnh: Getty).

Ngay cả khi Brussels đang lưỡng lự về tính hợp pháp trong việc tuân thủ yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp của Nga, hãng năng lượng Eni SpA của Italy cho biết họ đã mở tài khoản bằng đồng rúp để tiếp tục mua khí đốt của Nga.

Đó là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy các nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất ở châu Âu vẫn đang tiếp tục giao dịch như bình thường. Hãng Uniper SE của Đức và OMV AG của Áo cũng đang mong tìm ra cách để tiếp tục mua khí đốt của Nga.

Hôm đầu tuần, Brussels đã "bật đèn xanh" cho các công ty năng lượng trong khối mở tài khoản bằng đồng rúp để tiếp tục mua khí đốt Nga mà không vi phạm các lệnh trừng phạt.

Bloomberg dẫn lời người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, từ cuối tuần trước, cơ quan này đã gửi các hướng dẫn sửa đổi đến các quốc gia thành viên. Theo đó, EC cho rằng các công ty mua khí đốt nên tuyên bố rõ ràng rằng họ coi các nghĩa vụ đã hoàn thành khi thanh toán bằng đồng euro hoặc đồng USD.

Theo EC, các lệnh trừng phạt của EU không ngăn cản các công ty năng lượng mở tài khoản tại một ngân hàng được chỉ định để thanh toán theo hợp đồng cung cấp khí đốt tự nhiên bằng đơn vị tiền tệ được quy định trong các hợp đồng đó.

Điều này cho thấy lập trường của EU trong việc đối đầu với Moscow về nguồn cung năng lượng dường như đang bớt căng thẳng.

Trước đó ngày 31/3, Nga đã yêu cầu việc thanh toán cho các hợp đồng khí đốt phải được thực hiện bằng đồng rúp. Điều này khiến thị trường và các nhà làm luật rơi vào tình trạng hỗn loạn. Các công ty năng lượng châu Âu đã phải tìm cách để tiếp tục duy trì nguồn năng lượng quan trọng này mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của châu Âu nhằm làm suy yếu Nga sau khi chiến sự nổ ra tại Ukraine.

Động thái này cũng đã gây chia rẽ trong khối, trong đó Ba Lan và Bulgaria ngay lập tức đã từ chối yêu cầu này của Moscow và bị Nga cắt nguồn cung khí đốt.

Theo Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm