Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt kỷ lục 73 tỷ USD
(Dân trí) - Với con số dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 73 tỷ USD, ước tính Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm hơn 6,6 tỷ USD kể từ tháng 7 đến nay.
Tính đến hết ngày 31/10, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã lên tới 73 tỷ USD. Theo đó, ước tính Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm hơn 6,6 tỷ USD kể từ tháng 7 đến nay. Nếu nhìn vào diễn biến thị trường ngoại hối trong giai đoạn này, khi giá USD có xu hướng đi xuống so với tiền đồng, nhà điều hành có thể đã mua vào với mức giá phù hợp.
Theo đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước, dù nhiều áp lực từ diễn biến trên thị trường quốc tế (đồng tiền Trung Quốc giảm giá mạnh, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung…), nhưng thị trường ngoại tệ trong nước vẫn duy trì ổn định; thanh khoản đảm bảo, giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt kỷ lục 73 tỷ USD (ảnh minh họa).
Do đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác; Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI cho hay: "Dự trữ ngoại hối hiện ở mức kỷ lục, 73 tỷ USD và kỳ vọng còn có thể tăng thêm. Tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục đi ngang trong vùng hiện tại".
Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố cũng dự báo tỷ giá sẽ ổn định thời gian tới và khuyến nghị việc hạ thấp giá trị VNĐ để tăng trưởng thương mại là không nên làm thời điểm này.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động mạnh mẽ (điểm nhấn là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhiều quốc gia cắt giảm lãi suất), tỷ giá trung tâm quý III tăng không đáng kể và mức thay đổi tỷ giá ngày một thấp hơn dưới áp lực từ phía quốc tế. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá biến động cũng rất nhẹ.
Việc biên độ giảm giá VNĐ ngày càng thấp đi, theo Viện Nghiên cứu, là hợp lý theo tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất, từ phía quốc tế, một loạt quốc gia hạ lãi suất: Fed, ECB, Nhật, Indonesia... cùng với việc áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc đi vào hiệu lực và khả năng sản xuất của Mỹ ở mức thấp nhất trong 9 năm qua khiến đồng USD suy yếu đáng kể.
Thứ hai, từ phía Việt Nam, việc đảm bảo VNĐ không giảm giá mạnh là yêu cầu cấp thiết để tránh cáo buộc thao túng tiền tệ như Mỹ cảnh báo vào tháng năm vừa qua. Ngày 13/9, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố giảm lãi suất điều hành thêm 0,25% nhưng điều này gần như không ảnh hưởng đến tỷ giá.
An Hạ