1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Dù Tổng thống Mỹ là ai, Việt Nam vẫn phát triển, hội nhập mạnh mẽ

(Dân trí) - "Việt Nam đang phát triển và hội nhập sâu vào thế giới. Do vậy, dù Tổng thống Mỹ là ai, thì Việt Nam vẫn phát triển và hội nhập mạnh mẽ".

Đó là khẳng định "chắc như đinh đóng cột" của luật sư Sesto Vecchi, một nhà tư vấn Mỹ có trên 30 năm làm việc tại Việt Nam tại hội thảo "Tương tác thương mại Việt - Mỹ sau năm 2016" diễn ra sáng nay (20/12) tại TPHCM.

Không chỉ luật sư Sesto Vecchi, nhiều nhà ngoại giao, nhà hoạch định chính sách, doanh nhân, nhà nghiên cứu kinh tế cũng có những nhận định khá lạc quan về thương mại Việt Nam - Mỹ trên nền tảng Mỹ rút ra khỏi Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch công ty tư vấn hội nhập toàn cầu cho rằng, thị trường Mỹ sẽ đón nhận nhiều sản phẩm đa dạng từ Việt Nam chứ không chỉ hàng dệt may và da giày. "Chúng tôi có một dự báo đầy tham vọng nhưng có cơ sở, đó là trong 20 năm tới, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của hàng hoá Việt Nam", ông Trai nói.

Nhiều nhà ngoại giao, nhà hoạch định chính sách... nhận định khá lạc quan về thương mại Việt Nam - Mỹ trên nền tảng Mỹ rút ra khỏi Hiệp định TPP
Nhiều nhà ngoại giao, nhà hoạch định chính sách... nhận định khá lạc quan về thương mại Việt Nam - Mỹ trên nền tảng Mỹ rút ra khỏi Hiệp định TPP

Ông Trần Ngọc Châu, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Mỹ TPHCM cho rằng, TPP là hiệp định thương mại lớn nhất và khó khăn nhất mà Việt Nam thương lượng sau thời kỳ hậu chiến tranh. Hiệp định này bao quát cả một khu vực tự do thương mại 800 triệu người với tổng sản phẩm 28 nghìn tỷ USD, chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu.

Truyền thông thế giới cứ mãi cho rằng Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, thế nhưng, nếu chỉ nhìn từ phía Mỹ thì rõ ràng TPP giúp loại bỏ 18.000 khoản thuế nước ngoài đánh trên hàng hoá, dịch vụ sản xuất tại Mỹ. Do đó, sẽ làm tăng đáng kể lưu lượng xuất khẩu và đầu tư của Mỹ vào châu Á, trong đó có Việt Nam.

Ông Châu cho rằng, Mỹ đã xuất khẩu hơn 700 tỷ USD hàng năm sang 11 quốc gia Thái Bình Dương, và nếu các loại thuế đánh vào hàng hoá xuất khẩu của Mỹ hiện nay bị loại bỏ theo TPP sẽ đẩy con số này cao hơn đáng kể.

Tuy nhiên, dù có hay không có TPP, ông Châu cũng tin rằng, đến năm 2020, mậu dịch hai chiều Việt Nam - Mỹ sẽ tăng từ 45 tỷ USD hiện nay lên 57 tỷ USD. Khi đó, xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam chắc chắn sẽ tăng gấp đôi.

"Mỗi sáng, có 40 triệu người Mỹ xỏ chân vào giày, hơn 40 triệu người Mỹ mặc quần áo do bàn tay công nhân Việt Nam làm. Nếu nói sản xuất dệt may Việt nhập vào Mỹ, sẽ lấy đi công ăn việc làm của thợ Mỹ. Nói vậy là không đúng bởi thực sự ngành dệt may không còn ở Mỹ nữa nên không cạnh tranh. Nếu có cạnh tranh thì cạnh tranh với hàng dệt may của Trung Quốc tại Mỹ mà thôi chứ không lấy đi việc làm của công nhân Mỹ", ông Châu nói.

Công Quang