1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dự báo: Giá xăng tiếp tục tăng vào ngày mai

(Dân trí) - “Nếu cơ quan điều hành cho xả quỹ bình ổn thì giá xăng nhiều khả năng sẽ không phải điều chỉnh, còn không thì phải tăng khoảng 100-300 đồng/lít”, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối cho biết.


Giá xăng được dự báo sẽ tăng nhẹ chiều mai (20/9), Ảnh: Thắng Ngọc

Giá xăng được dự báo sẽ tăng nhẹ chiều mai (20/9), Ảnh: Thắng Ngọc

Chiều ngày 19/9, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam cho hay, hiện giá xăng bán lẻ đang chênh khoảng 100-300 đồng so với giá cơ sở.

“Nếu cơ quan điều hành cho xả quỹ bình ổn thì giá xăng nhiều khả năng sẽ không phải điều chỉnh, còn không thì phải tăng khoảng 100-300 đồng/lít”, vị này cho biết.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối cũng cho hay, từ giữa tháng 8, giá xăng có xu hướng đi lên và đứng trước áp lực tăng giá. Trong khi đó, giá dầu có cơ hội giảm 100-200 đồng/lít.

Theo cập nhật của Bộ Công Thương, kể từ kỳ điều hành trước, giá xăng dầu nhập khẩu có xu hướng tăng trong nửa chu kỳ đầu và giảm trở lại trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, giá bán lẻ tại Singapore (thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam) vẫn duy trì ở mức 55-56 USD/thùng, cao hơn một chút so với mức trung bình 54,8 USD/thùng kỳ trước.

Sau 4 đợt giảm giá liên tiếp từ đầu tháng 6, giá xăng đã tăng liên tiếp trong 2 lần điều chỉnh tăng diễn ra vào kỳ điều hành gần đây.

Trong kỳ điều hành gần đây nhất diễn ra hôm 5/9, Liên Bộ đã cho phép chi sử dụng quỹ bình ổn đối với mặt hàng xăng RON 92 là 300 đồng/lít, xăng E5 300 đồng/lít. Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, kể từ 15h, giá xăng RON 92 tăng 702 đồng/lít lên mức tối đa 16.076 đồng/lít. Giá xăng sinh học (E5) cũng tăng 611 đồng/lít lên mức tối đa 15.836 đồng/lít.

Các mặt hàng dầu diesel tăng 474 đồng/lít lên 12.388 đồng/lít, dầu hoả tăng 489 đồng/lít lên 10.985 đồng/lít và dầu mazut tăng 502 đồng/kg lên mức tối đa 9.339 đồng/kg.

Đáng lưu ý, kể từ kỳ điều hành hôm 19/8, giá mặt hàng xăng dầu tăng mạnh hơn so với dự báo trước đó do cơ quan quản lý thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu sẽ chuyển sang thực hiện theo Nghị định 100/2016/NĐ-CP, theo đó, quy định thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính trên mức giá đầu ra (bao gồm cả các chi phí) thay vì chỉ tính trên giá nhập như trước đó.

Trao đổi với Dân trí, một chuyên gia tài chính, am hiểu về các chính sách thuế, phí về xăng dầu phân tích: "Ngày xưa, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu tính theo giá nhập khẩu và bao gồm cả thuế nhập khẩu 10%. Tuy nhiên, theo Nghị định 100 về thuế tiêu thụ đặc biệt do Bộ Tài chính trình Thủ tướng, lại yêu cầu xăng dầu phải tính theo giá bán ra bao gồm cả chi phí định mức, lợi nhuận định mức và các chi phí bán hàng khác khiến giá xăng dầu tăng thêm".

Vị chuyên gia này tính toán, việc thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu sẽ khiến giá xăng dầu chịu thêm khoảng 200 đồng/lít tiền thuế.

"Như vậy, nếu thực hiện theo Luật sửa đổi bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt thì giá cơ sở hiện tại chưa đúng với quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Nghị định 100. Cụ thể chỉ tính thuế tiêu thụ đặc biệt khâu nhập khẩu, chưa tính đến giá bán ra ngoài xã hội, tức là chưa tính thuế tiêu thụ đặc biệt của chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và bình ổn giá (nếu có)", chuyên gia này phân tích.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng tính toán, với mức chênh lệch gần 200 đồng một lít xăng do cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, giả sử mỗi năm tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn xăng, thì người tiêu dùng phải chi thêm gần 3.100 tỷ đồng (mỗi tấn xăng tương đương 1.270 lít).

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm