Dự án Cát Linh - Hà Đông: “Điển hình” mất uy tín của doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam
(Dân trí) - PGS, TS. Phùng Thị Huệ - Viện Nghiên cứu Trung Quốc thừa nhận các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng Trung Quốc đã làm mất uy tín của giới đầu tư Trung Quốc ở Việt Nam, điển hình là Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).
Tại cuộc Tọa đàm “Sáng kiến Vành đai và con đường” diễn ra mới đây tại Hà Nội, PGS, TS. Phùng Thị Huệ đã trao đổi về khả năng hợp tác Việt Nam - Trung Quốc trong sáng kiến “Một vành đai một con đường” (OBOR).
Theo bà Huệ, Việt Nam - Trung Quốc đều cố gắng tìm kiếm những hạng mục hợp tác trong sáng kiến "Một vành đai một con đường", phù hợp với chiến lược phát triển của mỗi nước, có lợi cho mục tiêu thúc đẩy quan hệ lâu dài, ổn định, lành mạnh giữa hai quốc gia.
“Vấn đề căn cốt là tìm cách phát huy lợi thế vốn có, khắc phục hạn chế đang tồn tại để đạt tới nhận thức chung trong các hạng mục xây dựng OBOR. Đó chính là tiêu chí quyết định khả năng hợp tác giữa hai nước, trong sáng kiến OBOR” - Bà Huệ nhấn mạnh.
Lý giải vấn đề nói trên, bà Huệ đề cập tới việc nâng cao uy tín của các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng Trung Quốc, bởi trong tiến trình xây dựng OBOR, doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt.
PGS, TS. Phùng Thị Huệ thẳng thắn đưa ra những bất cập từ chính các doanh nghiệp nước nhà khi đầu tư ở các nước Đông Nam Á, Nam Á, châu Phi, trong đó có Việt Nam. Việc đầu tư nảy sinh nhiều vấn đề về chất lượng, mức phí, tiến độ, quản lý... ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của nước sở tại.
“Ở Việt Nam, điển hình là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, thời hạn kéo dài gần 3 năm chưa hoàn thành, vốn tăng 300 triệu USD, xuất hiện sự cố an toàn...” - bà Huệ dẫn chứng.
Bà Huệ cho rằng, Việt Nam cũng có trách nhiệm về tình trạng dự án Cát Linh - Hà Động chậm tiến độ, nhưng thực tế doanh nghiệp Trung Quốc triển khai công trình này tác động rất xấu đến tâm lý người dân Việt Nam đối với các hạng mục hợp tác hạ tầng hai nước, bao gồm cả khuôn khổ hợp tác OBOR.
Doanh nghiệp hai nước cần khắc phục và cải thiện nhanh tình trạng này, Chính phủ hai nước cũng cần thể hiện vai trò chỉ đạo trong những hạng mục đầu tư quan trọng. Điều đó sẽ góp thêm thận lợi và cơ hội thực hiện cho chương trình hợp tác OBOR.
Cần phải nói thêm rằng, việc cải thiện cục diện đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam là rất cần thiết. Trong thời gian gần đây, các nhà khoa học Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều tranh luận xoay quanh nguyên nhân đầu tư kém chất lượng, chậm tiến độ, đội vốn cao trong luồng đầu tư hạ tầng của Trung Quốc.
“Tâm lý chung của người dân Việt Nam là không mấy tin cậy, thậm chí phản cảm với nhiều hạng mục đầu tư của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc có bề dày kinh nghiệm trong xây dựng hạ tầng và nhu cầu phát triển hạ tầng ở Việt Nam ngày càng lớn.
Mục tiêu quan trọng là nâng cao chất lượng các công trình hợp tác hiện có, đồng thời không làm lỡ cơ hội của các doanh nghiệp Trung Quốc có thực lực đầu tư mạnh, kinh nghiệm quản lý dày dạn, sử dụng công nghệ hiện đại. Đây là một trong những biện pháp thực tế nhất để thúc đẩy hợp tác xây dựng OBOR giữa Việt Nam và Trung Quốc” - bà Huệ nói.
Với ưu thế riêng của mình, cả Việt Nam và Trung Quốc đều cần và có đủ khả năng tìm kiếm, xây dựng các mối hợp tác cùng có lợi. Vấn đề quan trọng cốt lõi là xây dựng nền tảng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không lệ thuộc vào nhau, đảm bảo an ninh và chủ quyền lãnh thổ.
Châu Như Quỳnh