1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đông trùng hạ thảo: Biệt dược đắt hơn vàng hay chỉ là “cú lừa thế kỷ”?

Mấy ngày qua, giới đông y Trung Quốc và cả Việt Nam xôn xao bởi thông tin được đăng tải trên tờ điện tử Sina.com (Trung Quốc) khẳng định: Đông trùng hạ thảo chỉ là một “cú lừa thế kỷ” bởi công dụng của loại thuốc đắt hơn vàng này hầu như là… không có gì.

Tại Việt Nam, từ trước đến nay, đông trùng hạ thảo vẫn được săn tìm bởi nhiều người tin rằng loại thuốc này có khả năng bồi bổ và tăng cường sức khỏe, cải thiện đời sống tình dục, tăng cường khả năng miễn dịch, được bán với giá cực đắt, loại tốt nhất khoảng 10 triệu đồng/10gr...


Cận cảnh đông trùng hạ thảo được bày bán tại quận 5, TPHCM. Ảnh: K.Q

Cận cảnh đông trùng hạ thảo được bày bán tại quận 5, TPHCM. Ảnh: K.Q

Choáng váng vì đông trùng hạ thảo bị lật tẩy

Theo tờ Sina.com, ngay cả trong y học truyền thống Tây Tạng thì đông trùng hạ thảo chỉ có duy nhất phương thuốc dạng nước (tễ) để chữa một số bệnh… phụ khoa. Sina chỉ ra một số công trình khoa học của nhiều bác sĩ nổi tiếng Trung Quốc khẳng định hoạt chất cordycepic acid có trong đông trùng hạ thảo từng được nâng tầm lên mức… thần thánh thực chất chỉ là mannitol - một sản phẩm hóa công nghiệp rất phổ biến và rẻ tiền, được dùng rộng rãi trong thực phẩm và dược phẩm.

Thậm chí, Sina.com còn dẫn một công trình đăng trên The Paper năm 2011, ông Vương Thành Thụ - nghiên cứu viên Phòng Nghiên cứu sinh thái thực vật Viện Khoa học Thượng Hải/ Viện Khoa học Trung Quốc - đã công bố kết quả nhóm gene của “đông trùng hạ thảo” không hợp thành được cordycepin, chỉ có loại nấm cordyceps mới tạo ra được. Nghĩa là đông trùng hạ thảo không hề có công dụng đặc biệt gì cả, nó giống như khoa học khẳng định về cơ bản sừng tê giác cũng có cấu tạo và thành phần giống… móng tay người.

Thông tin này khiến giới đông y TQ choáng váng bởi giá đông trùng hạ thảo ở TQ hiện cũng rơi vào khoảng 200.000 NDT/kg, tức là hơn 600 triệu đồng/kg.

Hoa mắt với thị trường đông trùng hạ thảo ở VN

Để tìm hiểu về thị trường biệt dược đắt đỏ này, PV Lao Động đã tới hai trung tâm dược liệu tại TPHCM và Hà Nội và phát hiện ra sự bát nháo đến khó tin xung quanh “thuốc tiên” đông trùng hạ thảo.

Tại TPHCM, khi hỏi chủ cửa hàng thuốc đông y V.Ph trên đường Lương Nhữ Học, hỏi về đông trùng hạ thảo, ông chủ cửa hàng chỉ ngay vào 2 hũ thủy tinh, không có nhãn mác và nơi xuất xứ. Theo đó, loại 1 có giá 15 triệu đồng/100gr, loại 2 giá 6 triệu đồng/100gr. Khi hỏi về nguồn gốc xuất xứ của loại dược liệu này, ông chủ cho biết, cả hai loại đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, loại 1 đắt hơn vì quý hiếm hơn, được khai thác ở một vùng núi cao hơn.

Tại cửa hàng Th.T trên đường Triệu Quang Phục, bà chủ cửa hàng giới thiệu với chúng tôi một loại đông trùng hạ thảo được đóng gói trong hộp giấy, bọc nylon, quấn băng keo trong, không có nhãn mác cũng như nguồn gốc xuất xứ. Ở đây, đông trùng hạ thảo có giá mềm hơn, hộp một chỉ (tương đương 37,5 gram) có giá 1,5 triệu đồng. Chủ cửa hàng khẳng định một cách chắc nịch đây là hàng thật, nhập từ Trung Quốc về. Bà chủ cho biết, sở dĩ hộp đựng không ghi nhãn mác là vì cửa hàng nhập sỉ về rồi mới chia ra từng hộp nhỏ. Ngoài ra, cửa hàng còn bán đông trùng hạ thảo có nguồn gốc từ Tây Tạng với giá 10 triệu đồng/100gr.

Tại Hà Nội, một cửa hàng bán đông trùng hạ thảo trên đường Hai Bà Trưng, nhân viên bán hàng tư vấn 3 loại đông trùng hạ thảo gồm dạng nguyên con, dạng nước và dạng viên nén có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Theo giới thiệu, đông trùng hạ thảo nguyên con xuất xứ từ Tây Tạng có giá 10 triệu đồng/10g. Đây là loại nguyên chất rất quý hiếm nên thời gian cảm nhận để phục hồi sức khỏe sẽ nhanh hơn các loại chế phẩm. Khi được hỏi về cách phân biệt đông trùng hạ thảo thật, giả thì người bán hàng nhiệt tình tư vấn rằng nếu người dùng mua bên ngoài có thể mua nhầm hàng giả hoặc loại nguyên con bị hút dưỡng chất.

PV cũng khảo sát tại một nhà thuốc đông y tại phố Lãn Ông (Hà Nội), tại đây thầy thuốc giới thiệu loại nấm đông trùng hạ thảo của Việt Nam ngâm rượu, được quảng cáo là rất tốt kèm theo đó là một loạt các chế phẩm của đông trùng hạ thảo dạng viên, dạng nước. Khi được hỏi về dạng nguyên con của Tây Tạng thì chủ nhà thuốc lấy từ tủ lạnh ra một hộp đông trùng hạ thảo bé bằng bàn tay, vẫn còn lạnh ngắt có giá là 4 triệu đồng/10g. Khi PV hỏi cửa hàng có hóa đơn, chứng từ để chứng minh loại đông trùng hạ thảo nguyên chất này là hàng thật nhập từ Tây Tạng không thì chủ cửa hàng trả lời đây là hàng do tiếp viên hàng không xách tay về nên không có giấy tờ.

Công dụng mập mờ - tâng bốc thái quá

TS-BS Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, đây là một loại nấm phức tạp có nhiều chức năng sinh học có tác dụng điều hoà miễn dịch, chống khối u, chống viêm, chống hoạt tính oxi hoá. Đông trùng hạ thảo từ lâu đã được dùng trong y học cổ truyền Trung Hoa. Tuy nhiên, các tác dụng và hiệu quả của đông trùng hạ thảo chưa được FDA (Cơ quan thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ) công nhận.

Theo bác sĩ Niên, hiện nay, một vấn đề là các tác dụng sinh học của đông trùng hạ thảo còn tuỳ thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng mà loài sinh vật này sinh sống. Bên cạnh đó, trên thị trường còn có xuất hiện các sản phẩm đông trùng hạ thảo giả, người tiêu dùng nếu không “rành” thì rất khó phân biệt.

Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ cao cấp Nguyễn Xuân Hướng (nguyên Chủ tịch T.Ư Hội Đông y Việt Nam) cho biết: “Đúng là tác dụng của đông trùng hạ thảo đã bị tâng bốc thái quá. Đông trùng hạ thảo là vị thuốc có tác dụng bồi bổ một số bệnh. Nhưng không phải điều trị được lục phủ ngũ tạng, thậm chí chữa được những trọng bệnh như một số phương tiện thông tin đã đồn thổi. Từ đó sản phẩm này bị đội giá lên gần chục triệu đồng một lạng, nhưng kết quả thì phần nhiều chưa thấy rõ ràng. Đông trùng hạ thảo không thể chữa được ung thư, hen suyễn hay vô sinh như những lời quảng cáo.

Thật giả lẫn lộn và… ít tác dụng

Trao đổi với PV, ThS - BS Trần Minh Hiếu - Trưởng phòng Khoa học Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết: “ Đông trùng hạ thảo được dùng để bồi bổ cơ thể suy nhược, để hỗ trợ sức khoẻ, dành cho những người mới ốm dậy, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Nhưng vấn đề bây giờ là người ta trồng rất nhiều, thật giả lẫn lộn và chẳng thấy có tác dụng mấy. Chính tôi, khi ra ngoài chợ cũng không biết đâu là thật, đâu là giả. Theo như tôi được biết thì đông trùng hạ thảo chưa được Bộ Y tế công nhận là một loại thuốc. Cái đó chỉ là bồi bổ sức khoẻ cơ thể, chứ đâu có chữa được bệnh gì mà gọi là thuốc. Hiện nay người ta trồng rất nhiều, nhưng chưa có tiêu chí nào đánh giá như thế nào là hàng thật hàng giả”.

Liên quan đến vấn đề này, TS Lê Thanh Phòng- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Chúng tôi vẫn cấp phép cho các sản phẩm đông trùng hạ thảo, vì sản phẩm này nằm trong danh mục thực phẩm chức năng, tuy nhiên nguyên tắc là sản phẩm phải có cơ sở khoa học chứng minh công dụng của nó thì mới được cấp giấy chứng nhận. Đông trùng hạ thảo có những tác dụng nhất định của nó, được đông y công nhận từ xa xưa rồi”.

Giang Thuỳ Linh

Theo Nhóm PV
Lao động

Đông trùng hạ thảo: Biệt dược đắt hơn vàng hay chỉ là “cú lừa thế kỷ”? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm